Trong dự đoán trước, khi chưa xuất hiện dịch bệnh, nền kinh tế khối 27 quốc gia đã được dự đoán tăng 1,2% trong năm nay. Mức giảm này sâu hơn mức -4,5% năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Suy thoái toàn khối
Suy thoái toàn khối
EU, nơi sinh sống của 440 triệu người, là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và lớn thứ hai của Trung Quốc. EU cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở khu vực châu Phi cận Sahara và các khu vực khác của thế giới đang phát triển. Vì thế, một cuộc suy thoái châu Âu kéo dài, một làn sóng virus thứ hai hoặc sự phục hồi kinh tế yếu ớt, sẽ gây thêm đau khổ cho nhiều người châu Âu, làm tổn thương các công ty, ngân hàng và người dân trên toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng cũng đang chia rẽ các đảng phái chính trị giữa miền Bắc giàu có và miền Nam nghèo hơn, đe dọa phá vỡ sự cân bằng mong manh giữa các quốc gia khác biệt nhưng có các nền kinh tế liên kết chặt chẽ.
Paolo Gentiloni, Ủy viên kinh tế EU, cho biết sự phục hồi có thể sẽ không đồng đều trong nửa cuối năm nay. Nhưng vào cuối năm 2021, các quốc gia EU sẽ ở trong tình trạng tồi tệ hơn. “Sự nguy hiểm của cuộc suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn rất thực tế. Sự hồi sinh của virus sau khi kết thúc đóng cửa sẽ làm giảm thêm 3% trong hoạt động kinh tế năm nay” - người đứng đầu đơn vị kinh tế của EC, Maarten Verwey, nhận định.
Nền kinh tế của Italia và Tây Ban Nha, 2 trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, rất có thể sẽ thu hẹp hơn 9% mỗi năm, đặc biệt nền kinh tế Italia sẽ chậm phục hồi, ông Gentiloni nói. Theo dự báo, Hy Lạp, nơi đã bắt đầu xoay chuyển sau thập niên khủng hoảng kinh tế, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong EU, dự báo mất 9,7% sản lượng kinh tế trong năm nay. EC cũng cho biết thất nghiệp toàn khối trung bình 9% so với 6,7% của năm trước. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục, sẽ chịu sự suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II, với dự báo thu hẹp 6,5%, nhưng sẽ phục hồi tương đối nhanh. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai, dự kiến giảm 8,5% trong năm nay.
Liên lụy cả thế giới
Suy thoái nghiêm trọng ở châu Âu sẽ có tác động lớn đối với tăng trưởng và việc làm của Mỹ, vì 2 nền kinh tế có mối liên hệ mật thiết với nhau. EU và Mỹ là những đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với giá trị giao dịch hàng hóa và dịch vụ lên tới 1.300 tỷ USD vào năm ngoái. Các công ty châu Âu như Daimler, BMW hay Siemens sử dụng hơn 4 triệu nhân công tại Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ liên lụy do EU chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ về nhập khẩu hàng Trung Quốc.
Nhưng mối nguy hiểm lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới là rủi ro đồng tiền chung eur có thể bị phá hoại bởi những rạn nứt sâu sắc giữa các thành viên và các nhà lãnh đạo của họ. Điều đó gần như đã xảy ra trong những năm đầu của thập niên trước, nhưng đã bị ngăn chặn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sử dụng "hỏa lực" tiền tệ của mình để ngăn Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha vỡ nợ. ECB một lần nữa tràn ngập eurozone bằng tín dụng và mua trái phiếu của các chính phủ thành viên để giữ chi phí vay không vượt khỏi tầm kiểm soát.
Tuy nhiên, khả năng giải cứu đồng eur của ECB một lần nữa có thể bị hạn chế sau phiên tòa ngày 5-5 của Tòa án Tối cao Đức. Tòa án Hiến pháp Đức đã đưa ra tối hậu thư cho ECB, buộc ngân hàng này phải chứng minh được các tác dụng phụ của việc mua trái phiếu không vượt quá lợi ích kinh tế. Nếu không, tòa án đe dọa cấm Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), tham gia chương trình kích thích kinh tế. Điều này sẽ tổn hại nghiêm trọng sự thống nhất châu Âu.
Những gói hỗ trợ khổng lồ
Những gói hỗ trợ khổng lồ
Hy vọng tốt nhất của châu Âu là các nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng. ECB ngày 4-6 cho biết sẽ mở rộng chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình để chống lại cú sốc từ đại dịch Covid-19. Ngân hàng này đã cam kết mua 1.350 tỷ eur (1.500 tỷ USD) trái phiếu, tăng 600 tỷ eur (675 tỷ USD). Thông báo này được đưa ra sau khi chính phủ Đức phê duyệt gói kích thích trị giá 130 tỷ eur (146 tỷ USD) để khởi động sự phục hồi trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đưa ra các khoản giảm thuế và ưu đãi mới cho việc mua xe điện.
Các nhà đầu tư hoan nghênh cả 2 động thái, với đồng eur giao dịch tăng 0,6% so với USD. Quyết định của ECB nhằm mở rộng chương trình mua trái phiếu, được coi là bước quan trọng để giữ tiền chảy qua khu vực đồng eur, hỗ trợ cho Italia, nơi nợ chính phủ có thể chịu áp lực. Tuy nhiên, mức tăng thậm chí lớn hơn một số nhà phân tích dự kiến. Chính sách của ECB nhận được một số trợ giúp từ Đức. Berlin đã công bố 130 tỷ eur chi tiêu kích thích mới, một gói tương đương 3,8% GDP đất nước, lớn hơn gói kích thích 2,5% GDP để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những chính sách hỗ trợ này theo sau gói cứu trợ được công bố trước đó trị giá 750 tỷ eur (849 tỷ USD).
Điều ngạc nhiên lớn là việc cắt giảm thuế bán hàng tạm thời được thiết kế để tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Các hộ gia đình cũng sẽ nhận được 300EUR (339USD) cho mỗi trẻ em và chính phủ đang tăng gấp đôi số tiền giảm giá khi mua xe điện. 25 tỷ EUR khác (28 tỷ USD) đã được giải ngân cho các khoản tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Berlin cũng đang tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và kỹ thuật số thêm 50 tỷ EUR (56 tỷ USD).
Những nỗ lực kích thích của châu Âu dự kiến sẽ tăng lên. Đức và Pháp đã hợp tác để hỗ trợ cho một đề xuất của EC nhằm tăng 750 tỷ EUR (846 tỷ USD) trên thị trường tài chính. Khoảng 500 tỷ EUR (566 tỷ USD) sẽ được trao cho các quốc gia thành viên EU đã phải chịu đựng nhiều nhất từ đại dịch. Nhưng tất cả 27 quốc gia EU phải thông qua, trong khi một số quốc gia phía Bắc đang phản đối việc sử dụng các khoản tài trợ cho các khoản vay. Kế hoạch này sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu vào cuối tháng này.
Gói kích thích kinh tế mới của EU sẽ đạt mức đầu tư trị giá 540 tỷ EUR (612 tỷ USD) trong các nỗ lực cứu trợ hiện tại của EU và nhằm mục đích đảm bảo sự phục hồi đồng đều trên toàn khối. Mặc dù vậy, tốc độ và mức độ phục hồi của khu vực phụ thuộc phần lớn vào quỹ đạo của đại dịch.
Covid-19 đã tạo ra cú sốc kinh tế nghiêm trọng hơn ở châu Âu, so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nó có thể dẫn đến sự phân rẽ chính trị và xã hội, giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã thúc đẩy các phong trào dân túy cực hữu ở Đức, Italia và Pháp. |