Eugene Fama - Mọi thứ đều đơn giản

Ông Eugene Fama (ảnh) là 1 trong 3 người vừa được vinh danh trong giải Nobel kinh tế, nhưng từ lâu ông đã nổi tiếng với các giải pháp đơn giản cho thị trường tài chính.

Ông Eugene Fama (ảnh) là 1 trong 3 người vừa được vinh danh trong giải Nobel kinh tế, nhưng từ lâu ông đã nổi tiếng với các giải pháp đơn giản cho thị trường tài chính.

Giải Nobel kinh tế 2013 được trao cho 3 người Hoa Kỳ là Eugene Fama, Lars Peter Hansen và Robert Shiller, với các công trình riêng rẽ về thực nghiệm giá tài sản. Ủy ban Nobel cho biết công trình nghiên cứu của bộ 3 đã “đặt nền móng cho sự hiểu biết hiện tại của giá tài sản”.

Trong đó, ông Fama được tôn vinh vì chứng minh được rằng giá chứng khoán rất khó đoán trong ngắn hạn, và rằng tin tức mới có ảnh hưởng cực kỳ nhanh chóng tới giá cả. Những phát hiện của ông Fama có “tác động sâu rộng cho những nghiên cứu sau này và cũng có thể thay đổi thói quen thị trường”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên báo The New Yorker năm 2010, ông Fama, giáo sư của Đại học Chicago, khẳng định không có cách nào để biết được giá thị trường của một tài sản là đúng hay sai, quá cao hay quá thấp, chỉ đơn giản đó là giá mà chúng ta có. Ông Fama cũng có một số ý tưởng đơn giản về việc quản lý hệ thống ngân hàng, khi cho rằng chính phủ không nên ra tay ứng cứu các ngân hàng lâm nguy.

“Giải pháp đơn giản là đảm bảo các ngân hàng đó phải có thêm rất nhiều vốn, như vậy họ sẽ không kinh doanh bằng tiền của người khác” - ông Fama nói. Lý thuyết này của ông chẳng có gì mới. Trong thực tế, đó là điệp khúc gần đây được lặp lại ngày càng nhiều từ các nhà kinh tế và chính sách, việc tăng vốn đối với ngân hàng cũng là nội dung quan trọng trong các chuẩn mực quản lý về ngân hàng, chẳng hạn Basel III.

Đối với cách ứng xử với những định chế tài chính lâm nguy, ông Fama cũng có giải pháp đơn giản. “Cứ để họ phá sản” - ông Fama nói. “Chúng ta đã để Lehman, Washington Mutual phá sản. Đó đều là các định chế tài chính lớn. Nhưng lại không để một số khác phá sản. Theo tôi, điều đó là lạc nhịp”.

Theo ông, người ta cần bỏ ra 1-2 tuần để tính trước cho các ngân hàng được để phá sản, chẳng hạn các tài sản có giá trị sẽ được chuyển tới những ngân hàng khác, còn tài sản xấu cứ để mất luôn. Ông cho rằng điều đó sẽ không tệ hơn việc chính phủ can thiệp mà chẳng biết mọi sự sẽ kết thúc thế nào. 

Các tin khác