Nút thắt càng gỡ càng… thắt nút
Thời gian qua, trên các diễn đàn khi nói về EVFTA, dường như vẫn tái hiện cách nói, cách tư duy từ cách đây hàng chục năm khi đón chờ FTA với Mỹ (BTA), hay gia nhập WTO. Nếu ví EVFTA như “bước vào bữa tiệc”, hay đi trên đường cao tốc có vẻ hơi khiên cưỡng.
Vì nó gợi đến câu chuyện từng có thời chúng ta ký tá nhiều FTA, khi có vốn đầu tư, có làm ăn buôn bán, rồi vay mượn, mặc nhiên nghĩ đó là “tiền chùa”, rồi oằn lưng ra trả nợ. Vì thế nợ mới chồng chất, như hiện nay đã thấy.
Một trong các việc phải làm để thực thi FTA là đổi mới cơ chế cho tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Nhưng việc ban hành văn bản ở ta rất dềnh dàng. Người được quyền cho ý kiến các dự thảo, thường chỉ nói “cần làm thế nào, phải quy định ra sao cho…”, mà ít ai nói “phải viết thế này, quy định thế kia”. Thế mới sinh chuyện văn bản chưa “chào đời” đã bị phát hiện hớ hênh, phải sửa.
Việc soạn thảo văn bản thời nay theo công nghệ “copy and paste”, tìm ra sai sót lập tức chỉ ra “lỗi tại đánh máy”. Văn bản nào cũng để tháo nút thắt cho doanh nghiệp, nhưng nút thắt gì hết năm này qua năm khác, từ cuộc gặp này đến cuộc gặp kia, các cấp các ngành cùng gỡ mãi mà vẫn… thắt nút.
Có lẽ, chúng ta cần bình tâm hơn. Không nên tự tin thái quá với những cơ hội vàng, vận may lớn, cũng chẳng nên hù dọa lĩnh vực này, khu vực kia sẽ bị tổn thương. Thực tế đáng buồn, từ ngày có các FTA đến nay, nền ngoại thương Việt Nam vẫn nằm trong vòng 3 chữ “vẫn”: (1) Vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; (2) xuất khẩu (XK) vẫn trông chờ vào nhập khẩu (NK); (3) Công nghiệp phụ trợ vẫn chưa đủ mạnh. Qua hàng chục năm, XK thực của Việt Nam vẫn khiêm tốn.
Điều này thể hiện rõ khi XK của Việt Nam dù vượt qua mốc 100 tỷ USD, rồi tăng tốc lên 200 và sẽ lên 300 tỷ USD, nhưng trong tổng kim ngạch XK cả nước, khối DN nội Việt Nam chưa bao giờ đạt được 100 tỷ USD.
Lấy dẫn chứng như năm 2019, tổng kim ngạch XK cả nước 263,4 tỷ USD, khối DN nội chỉ có 82,1 tỷ USD. Giả dụ năm 2020 đạt 300 tỷ USD, theo tỷ lệ trong cấu thành tổng kim ngạch XK hiện nay, khối DN trong nước 30% và khối DN FDI 70%, DN nội tới 90 tỷ USD là hết mức.
Thực tế, trước thời kỳ đổi mới, đơn thương độc mã DN nội trên mặt trận ngoại thương, Việt Nam triền miên nhập siêu. Nay nước ta xuất siêu, song khối DN nội cũng vẫn liên tục… nhập siêu. Năm 2019, cả nước xuất siêu 9,9 tỷ USD, DN trong nước nhập siêu tới 25,9 tỷ USD.
Thuế quan “con dao hai lưỡi”
Thuế quan “con dao hai lưỡi”
Với EVFTA mừng đấy nhưng cũng lo đấy. Cuối cùng, sau EVFTA, hẳn vẫn là câu chuyện các cấp lo toan, địa phương tính toán, còn DN vẫn phải gồng mình. |
Chưa kể phía đối tác đã có ngay hàng rào kỹ thuật xăm soi, ngăn cản hàng hóa của Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn chất lượng lọt vào thị trường của họ. Việc đạt chất lượng châu Âu không phải ra lời kêu gọi là thành, ban nghị quyết là đạt. Việc này ai cũng biết, DN nào cũng muốn, song có làm được, bao giờ được, hàng chục năm qua đã có câu trả lời.
Nhưng có đi có lại, hoa quả, thực phẩm châu Âu chất lượng đã chuẩn lại từng được người Việt Nam ưa chuộng, nhân được hạ thuế NK sẽ ào vào Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần phải tính tới tình huống xấu nhất, là nông thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt, thậm chí thua trên sân nhà.
Trong khi đó, với nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm trên 80% tổng kim ngạch XK cả nước, “yếu tố thị trường” như địa chỉ, quy cách hàng hóa, thời gian giao hàng… trong hợp đồng gia công đã có. Song nếu chủ hàng không đặt hàng, hủy đơn hàng hoặc dãn tiến độ nhận hàng, không có FTA nào cứu được. Một nền XK dựa vào gia công, phải đối mặt với rủi ro là thế.
Có EVFTA, Việt Nam sẽ được NK thiết bị hiện đại, phụ tùng tốt. Song với thực lực của DN Việt (đa số là nhỏ và siêu nhỏ) liệu có vốn liếng cùng trình độ kỹ thuật để trang bị mới, lại là chuyện khác. Máy móc hiện đại nào của châu Âu sẽ thay việc phơi phóng cà phê trên sân từng nhà, cải tiến lạng dóc cá basa, lột vỏ tôm, chạy quanh cây cao su cạo mủ…
Khi sắp được tham gia WTO, rồi các FTA từng hy vọng, ta sẽ được đảm bảo công bằng trong thương mại quốc tế, nhưng vẫn bị vướng vào chính sách bảo hộ của họ. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2020, các nước đã khởi kiện 6 vụ hàng hóa XK của Việt Nam (với sản phẩm ống thép, sợi, đệm mút, ván ép, thép mạ nhôm kẽm), so với 1 vụ trong 4 tháng đầu năm 2019. Bên cạnh đó, có 10 vụ việc đang được rà soát.
Còn trong vòng 10 năm qua, hàng hóa XK của Việt Nam đã bị điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ với 22 vụ (trung bình 2 vụ/năm). Trong đó, Mỹ vẫn là nước điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam (9 vụ), chiếm tỷ lệ 41%; tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ (6 vụ), EU (6 vụ), Brazil (1 vụ). Các sản phẩm bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ nhiều lần là thép, gỗ dán, thủy sản (tôm)...
Việc EC vừa qua giơ thẻ vàng với đánh bắt thủy sản Việt Nam từ tháng 10-2017 đến tháng 6-2020 mới xem xét lại là vòng kim cô không dễ tháo.
Đó là chưa nói đến hậu Covid-19, khi kinh tế thế giới giảm tốc, các nước áp dụng thủ tục điều tra mang tính bảo hộ hơn trước. Trong các vụ việc nói trên, đa phần các nước điều tra thường cho rằng hàng hóa XK của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu NK từ các nước/vùng lãnh thổ đang bị áp thuế, là lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.