Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tới nay, đã tròn 2 năm.
Theo hiệp định, hai bên cam kết nhiều nội dung về thương mại hàng hóa, dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan... Theo đó, sau 10 năm thực hiện EVFTA, Việt Nam sẽ xóa bỏ 98,3% số dòng thuế xuất nhập khẩu.
EVFTA được kỳ vọng mang tới những tác động tích cực và là cú huých quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ theo hướng bền vững và phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Qua 2 năm triển khai EVFTA, đáng ghi nhận nhất là những chuyển biến về thể chế và môi trường kinh doanh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từ khi có Hiệp định, các cam kết đôi bên đã tạo điều kiện và động lực để thay đổi, cải thiện các chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Nhờ đó, giúp Việt Nam kiện toàn hơn bộ máy Nhà nước, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của cán bộ, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam.
EVFTA là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo đó, chất lượng đầu tư nước ngoài đã được cải thiện khi họ dành sự đầu tư có chiều sâu vào thị trường Việt Nam, góp phần tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
EVFTA đã thúc đẩy các nhà đầu tư chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam. Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ...
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế, EVFTA cũng đem tới những áp lực nhất định và thấy rõ những khoảng cách giữa nền kinh tế của các nước thuộc EU so với Việt Nam.
Nếu không nỗ lực nhiều hơn về cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì không chỉ đây chính là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, mà còn không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế nhập khẩu còn dẫn đến hàng hóa sản xuất trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nhập khẩu, đồng nghĩa với việc các ngành sản xuất trong nước phải gánh chịu những tác động trực tiếp từ những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế và vấn đề nhập siêu sẽ khó giải quyết dứt điểm..., ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Từ thực tiễn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thông, đại diện Công ty cổ phần Cà phê Detech, cho hay khó có thể lượng hóa những tác động tích cực và hiệu ứng lan tỏa của EVFTA khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực thực thi đúng vào giai đoạn nóng bỏng nhất khi diễn ra đại dịch COVID-19.
Có thời điểm, ở nơi này, nơi khác, tình hình dịch bệnh có sự kiểm soát, nhưng về tổng thể thì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hầu hết đều bị ngưng trệ do các chính sách "đóng cửa" biên giới để phòng, chống dịch bệnh lây lan của các quốc gia trong khu vực và trên toàn cầu.
Hiện tại, mỗi năm, Detech sản xuất được từ 6.000-7.000 tấn càphê, nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô thông qua một số đơn vị, công ty có văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam nên lợi nhuận không cao.
Vì thế, doanh nghiệp mong muốn được xuất khẩu trực tiếp sang các nước thuộc EU. Trước đây, cũng thông qua một số hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, doanh nghiệp đã tiếp cận một số thị trường các nước và các đối tác EU để tìm kiếm cơ hội thương mại mới.
Tuy nhiên, dịch bệnh và không ít vấn đề về thủ tục quản lý Nhà nước, về logistics khi xuất khẩu mặt hàng đặc thù như càphê... cũng khiến doanh nghiệp băn khoăn, lo ngại về tính hiệu quả và sự an toàn khi tham gia vào sân chơi toàn cầu.
Không giống Detech, ông Vũ Tuấn Thanh, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn phân bón công nghệ cao Việt Âu Châu, ghi nhận nhiều giá trị đem lại cho doanh nghiệp kể từ khi EVFTA được thực hiện.
Là một đơn vị chuyên nhập khẩu phân bón hữu cơ nano để phân phối về Việt Nam, trong quá trình hoạt động đã liên kết với các vùng trồng như lục vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang hay sầu riêng, càphê ở Lâm Đồng, Đắk Lắk... để xuất khẩu các mặt hàng nông sản ngược trở lại thị trường EU.
Theo ông Tuấn Thanh, nếu quy chiếu theo các cam kết EVFTA mà Việt Nam tham gia và cam kết thực hiện sẽ rất khó cho khu vực sản xuất; nhất là với nông dân khi mà họ vừa muốn bán hàng được giá cao nhưng lại không đủ năng lực để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Xây dựng liên kết với các vùng trồng, doanh nghiệp đã cung cấp và hỗ trợ nông dân công nghệ và kỹ thuật trong canh tác; hướng tới việc nâng cấp chất lượng sản phẩm để tiệm cận tới các tiêu chuẩn mới của hàng xuất khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật để hàng hóa nông sản Việt Nam có thể tự tin bước ra thế giới và bước vào thị trường Liên minh châu Âu.
Ông Tuấn Thanh cho rằng điều quan trọng nhất để tạo thế cạnh tranh cho nông sản Việt Nam và thu hút, mở rộng thị trường sang EU, đó là giá thành xuất khẩu phải rất hợp lý, thậm chí là cần thấp hơn cả giá thành sản xuất thông thường.
Công ty cổ phần Tập đoàn phân bón công nghệ cao Việt Âu Châu thấy rõ được lợi thế, ưu điểm và cơ hội phải nắm lấy từ EVFTA. Theo đó, công ty đã sớm thiết lập hệ thống các đối tác chuyên nghiệp về nguồn cung ứng, logistics và vận dụng triệt để các chính sách giảm thuế theo EVFTA... nên việc mở rộng thị trường, hỗ trợ sản phẩm sản xuất trong nước tiếp cận thị trường quốc tế hầu như không gặp khó khăn và sẽ càng thuận lợi trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị việc vận dụng tốt EVFTA là vô cùng quan trọng.
Không chỉ là vấn đề tăng cường liên kết, chủ động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu để tăng sức cạnh tranh và xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Cùng với đó, phải sớm đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và công nghệ thông tin, đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý và chuẩn bị lộ trình để thích nghi, thay đổi phù hợp khi gỡ bỏ được hàng rào thuế quan thì sẽ phải đổi diện với rào cản mới là vấn đề quy tắc xuất xứ.
Doanh nghiệp cũng cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực sớm, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động; nhất là lao động có tay nghề. Bởi chính sự đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo tiền đề và thế mạnh để Việt Nam nắm bắt cơ hội và tạo lợi thế cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.