EVN lãi gần 15.000 tỷ đồng trong năm 2020

(ĐTTCO) -  Trong năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty con cơ bản đều có lãi, với lợi nhuận sau thuế đạt 14.480 tỷ đồng, tăng 4.760 tỷ đồng so với trước.
EVN ghi nhận mức lãi lớn mặc dù năm 2020 tập đoàn này đã giảm giá tiền điện cho khách hàng. Ảnh: N.KH
EVN ghi nhận mức lãi lớn mặc dù năm 2020 tập đoàn này đã giảm giá tiền điện cho khách hàng. Ảnh: N.KH

Thông tin được EVN nêu trong báo cáo công bố thông tin về kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020 gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư. Nhấn mạnh với mức lợi nhuận trên, EVN cho rằng tỷ suất sinh lời tăng so với năm 2019 và ở mức hợp lý so với điều kiện đặc thù của ngành điện.

Cụ thể, tỷ suất sinh lời/tổng tài sản (ROA) 2,0%, tăng 0,63%; tỷ suất sinh lời/vốn chủ sở hữu (ROE) 6,21%, tăng 1,83%; lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ EVN đạt 1.598 tỷ đồng.

Như vậy, mức lãi được ghi nhận năm 2020 cao hơn nhiều so với năm trước đó là hơn 9.700 tỷ đồng và 2 năm trước đó khoảng 6.500 - 6.800 tỷ đồng.

Trong năm 2020, EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải, khai thác hiệu quả các nguồn điện trong hệ thống.

Để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN đã triển khai các dịch vụ điện trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia và tại 63/63 tỉnh/thành phố. Hoàn thành tích hợp toàn bộ 12/12 dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia và chuyển đổi dịch vụ thanh toán tiền điện sang nền tảng thanh toán.

EVN đã bán điện trực tiếp cho 28,94 triệu khách hàng, tăng 0,9 triệu khách hàng so với năm 2019. Công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được đẩy mạnh và đạt tỷ lệ 70,3% về số khách hàng và đạt 91,72% trong tổng doanh thu.

Tổn thất điện năng năm 2020 giảm còn 6,42%, thấp hơn 0,08% so với kế hoạch và 0,07% so với năm 2019. Độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao, trong đó chỉ số SAIDI (thời gian mất điện bình quân khách hàng trong năm) giảm còn 356 phút, vượt chỉ tiêu năm (400 phút).

Như vậy với doanh thu và lợi nhuận đạt được, tập đoàn bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn tập đoàn tính đến cuối năm 2020 là 729.452 tỷ đồng (tăng 1,1% so với năm 2019), trong đó vốn chủ sở hữu là 240.195 tỷ đồng (tăng 6%).

Công ty mẹ EVN nộp ngân sách 10.513 tỷ đồng và toàn tập đoàn nộp ngân sách 23.177 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng 14.300MW so với năm 2019. Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.351MW (tăng 12.148MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.

Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, tăng 2,9% so năm 2019. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN năm 2020 là 238,47 tỷ kWh, tăng trưởng 3,33% so với năm 2019. Sản lượng điện thương phẩm năm 2020 đạt 216,95 tỷ kWh tăng 3,42% so với năm 2019 và bằng 100,02% kế hoạch.

EVN cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, tập đoàn đã chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tập đoàn thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền 12.265 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Năm 2020, EVN không có khoản đầu tư tài chính nào và dành nguồn tiền đầu tư vào các dự án nguồn và lưới điện. Theo đó, giá trị khối lượng đầu tư toàn tập đoàn đạt 86.894 tỷ đồng, bằng 93,22% kế hoạch, gồm giá trị giải ngân cả năm 2020 đạt 83.715 tỷ đồng, trả nợ gốc và lãi vay là 33.405 tỷ đồng…

Nhiều dự án được tập trung đầu tư xây dựng như dự án nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng; thủy điện tích năng Bắc Ái; nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng; thủy điện Ialy mở rộng; nhiệt điện Quảng Trạch 1, nhiệt điện Ô Môn IV; đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2; đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa - Chơn Thành…

Các tin khác