Chẳng hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thuộc EVN vẫn chi phối khâu phát điện, tức nắm độc quyền từ mua điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Theo đó, công ty mua bán điện trực thuộc EVN là đơn vị duy nhất được phép mua điện từ tất cả đơn vị phát điện trên thị trường, và bán cho các công ty phân phối điện. Và việc giá điện sinh hoạt tăng khủng từ tháng 3 vừa qua càng cho thấy sự độc quyền của EVN.
Trước những phản ánh của người dân về việc hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng 30-75%, không phải chỉ 8,3%, EVN giải thích do sự kết hợp của 3 yếu tố là tiền điện tăng, số ngày sử dụng thực tế nhiều hơn (3 ngày) và nhu cầu tiêu dùng tháng hè tăng cao nên lượng điện sử dụng tháng 3 nhiều hơn so với tháng trước. Điều này cũng được nhắc lại trong báo cáo của Bộ Công Thương (cấp trên trực tiếp của EVN), cũng như trong giải trình của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày) tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra.
Song theo các cách giải thích trên, đã “vỡ lẽ” thêm sự độc quyền thường kéo theo các độc chiêu. Đó là việc ngành điện thực hiện cách tính giá điện 6 bậc lũy tiến. Mức giá này được xây dựng từ năm 2013, hàng tháng các gia đình sử dụng điện đều phải trả tiền cho hóa đơn theo 6 bậc lũy tiến.
Và đã vào tròng 6 bậc này đương nhiên tiền điện phải tăng ít nhất 35%. Bởi với nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao, nhất là ở những TP lớn, các gia đình sử dụng điện nằm ở 2 bậc đầu tiên rất ít, chủ yếu rơi vào 4 bậc sau. Có nghĩa càng dùng nhiều, người dân càng phải trả tiền điện giá cao.
Cách tính tiền điện theo bậc thang lũy tiến không sai, vấn đề mấu chốt, khoảng cách mỗi bậc so với giá bình quân quá chênh lệch gây bất lợi và thiệt hại cho người tiêu dùng. Chắc chắn EVN thấy rõ điều này, nên đã dùng độc chiêu tăng giá điện với cách tính bậc thang đã lạc hậu, lại đúng vào dịp nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Bởi chính EVN cũng thừa nhận người dân phải trả tiền tháng 4 tăng hơn so với tháng trước ít nhất trên 35%.
Sự độc chiêu của EVN trong việc thu tiền điện vừa qua còn nhìn thấy, nhưng độc chiêu nữa trong tương lai mà EVN sẽ áp dụng từ việc mua điện của hệ thống điện mặt trời (ĐMT). Nhằm khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, năm 2017 Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, quy định giá bán ĐMT tại Việt Nam 9,35 cent/kWh.
Quyết định nêu rõ bên mua điện (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án ĐMT nối lưới với giá trên. Chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, EVN tiến hành các thủ tục mua điện của các doanh nghiệp sản xuất ĐMT. Thế nhưng, trong phụ lục hợp đồng mua bán ĐMT, EVN “thòng” thêm câu “được nhả tải khi lưới điện quá tải”. Điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục mua điện hay không, mua đến mức nào là quyền của EVN. Nếu nhả tải có nghĩa điện làm ra không bán được, đơn vị kinh doanh ĐMT chỉ có khóc ròng.
Chưa hết, trong danh mục bí mật Nhà nước đang được lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất việc điều chỉnh giá điện chưa công bố là những thông tin được đóng dấu mật. Đề xuất này chẳng khác gì chặn đường giám sát giá điện của người dân, trái ngược với các nguyên tắc giá cả của các mặt hàng được công khai, tạo điều kiện để “ông EVN” tiếp tục thể hiện sự độc quyền của mình.