Tại lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Eximbank và Sacombank, các bên cho biết sẽ nghiên cứu, xem xét trình Đại hội cổ đông và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc hợp nhất trong vòng 3-5 năm tới. Thực ra sau khi Eximbank trở thành cổ đông lớn nhất của Sacombank (với tỷ lệ nắm giữ 9,73%), 2 bên đã chính thức thừa nhận việc hợp nhất nằm trong kế hoạch.
Kịch bản
Dù kế hoạch hợp nhất của Sacombank và Eximbank vẫn đang ở “thì tương lai”, nhưng dư luận khá quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi. Cụ thể, liệu lộ trình hợp nhất 2 NHTMCP lớn trên thị trường có khó khăn và trở ngại gì.
Nhất là sau khi Eximbank tập hợp một số cổ đông chiếm quyền tuyệt đối tại Sacombank, đã có nhiều thông tin đồn đoán xoay quanh việc sở hữu chéo ở 2 NH này…
Mọi chuyện liên quan đến Eximbank và Sacombank diễn ra từ năm 2011 đến nay đều công khai, minh bạch. Như việc mua 9,73% cổ phần của ANZ tại Sacombank được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, Eximbank mới tiến hành, không có chuyện sở hữu chéo như thông tin đồn đoán. Ông LÊ HÙNG DŨNG, |
Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank, đại diện vốn góp của Eximbank tại Sacombank, cho biết: “Tháng 6-2006, khi nước ta chuẩn bị gia nhập WTO, lãnh đạo 3 NH là ACB, Eximbank và Sacombank đã ngồi với nhau bàn việc có nên hợp nhất hay không. Bởi gia nhập WTO, Nhà nước sẽ cho phép NH nước ngoài vào Việt Nam hoạt động, buộc các NH nội địa phải liên kết để tồn tại.
Còn việc quyết định mua lại 9,73% cổ phần của Sacombank, Eximbank đặt mục tiêu dùng để đầu tư, tái cơ cấu danh mục đầu tư của Eximbank và nếu tình hình thuận tiện, 2 NH có thể tiến hành hợp nhất. Như vậy việc này hoàn toàn diễn ra đúng theo lộ trình của kịch bản”.
Cũng theo ông Phú, nếu xét thuần túy về tài chính đây là khoản đầu tư tốt, có hiệu quả của Eximbank. Bởi khi Eximbank mua 9,73% cổ phiếu Sacombank giá vốn chỉ 16.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện tại giá thị trường lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh đó, cổ tức của Sacombank 2 năm 2011 và 2012 trên dưới 20%. Do vậy, vừa qua HĐQT Sacombank nhận rất nhiều thư của cổ đông bày tỏ sự phấn khởi khi Eximbank trở thành cổ đông lớn của Sacombank.
Khách hàng giao dịch tại Sacombank. Ảnh: CAO THĂNG |
Về kết quả hoạt động của Sacombank, năm 2012 dự kiến đạt lợi nhuận 2.800 tỷ đồng/3.400 tỷ đồng kế hoạch đại hội cổ đông đưa ra, đạt khoảng 80% kế hoạch. Tháng 1-2013, lợi nhuận lõi của Sacombank đạt trên 270 tỷ đồng.
“Trong điều kiện CTCK Sài Gòn Thương Tín (SBS) lỗ lớn, Sacombank với tư cách là cổ đông lớn đã chia sẻ với SBS, trong đó riêng trích lập dự phòng với SBS trên 1.000 tỷ đồng.
Thanh tra NHNN đồng ý cho Sacombank trích 2 năm, nhưng NH quyết định trích hết trong năm 2012 để năm 2013 Sacombank phát triển với tầm cao mới. Hiện nay mỗi ngày Sacombank huy động được 200 tỷ đồng” - ông Phú chia sẻ.
Theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, để thực hiện kế hoạch hợp nhất, 2 bên sẽ thuê một công ty tư vấn độc lập có uy tín làm luận chứng kinh tế tiền khả thi. Sau khi trình HĐQT 2 bên đóng góp, bổ sung sửa đổi, luận chứng này được trình các cơ quan chức năng quản lý nhà nước.
Nếu cơ quan nhà nước chấp thuận về chủ trương, vấn đề quan trọng là trình cổ đông các nội dung chi tiết của đề án hợp nhất. Đây là lộ trình tương đối dài, ít nhất cũng 3-5 năm.
Sẽ có nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình lập luận chứng kinh tế tiền khả thi 2 bên phải tính đến, như tên NH hợp nhất, tỷ lệ chuyển đổi thời điểm đó, cổ đông có đồng ý hay không, theo điều lệ từng bên và quy định chung của NHNN…
Lớn + lớn = mạnh?
Thời gian qua thương vụ sáp nhập, hợp nhất diễn ra ở các NHTM chủ yếu phục vụ mục đích tái cơ cấu, sắp xếp hệ thống NH yếu kém trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Riêng trường hợp Eximbank và Sacombank có khác, dù Sacombank có sự biến động về nhân sự nhưng không hẳn việc hợp nhất là nhằm tái cơ cấu.
Hơn nữa, nếu so với các NHTMCP hiện nay, 2 NH này nằm trong tốp NH lớn, có sức mạnh tài chính, mạng lưới lẫn thương hiệu.
Vấn đề đặt ra là 2 NHTM lớn hợp nhất có giúp nâng cao thế mạnh, mở rộng thị phần, tăng cường sức cạnh tranh, đặc biệt tạo nên một định chế tài chính có tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh trong khu vực, hay chỉ phục vụ một nhóm lợi ích, chi phối, lũng đoạn nền kinh tế?
Lộ trình sáp nhập 2 NHTM lớn không đơn giản, trong đó phải đảm bảo quyền lợi khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông, người lao động. Bên cạnh đó, những NHTM lớn đều có văn hóa kinh doanh khác nhau, việc dung hòa để tạo ra một hệ thống phát triển vững mạnh và xuyên suốt cần được coi trọng. TS. LÊ XUÂN NGHĨA, |
Trả lời vấn đề này, ông Lê Hùng Dũng cho rằng trong định hướng tái cấu trúc NH theo Nghị quyết của Chính phủ định hướng đến năm 2015, phấn đấu hệ thống NH Việt Nam có 10-15 NH quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Với vốn điều lệ hiện hữu và kế hoạch tăng vốn 1.000 tỷ đồng/năm của Sacombank và Eximbank, đến năm 2015 nếu hợp nhất theo lộ trình, NH mới sẽ có vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD), có 600-700 điểm giao dịch trên toàn quốc.
“Không nên lo NHTM lớn cộng lại có thể chi phối, lũng đoạn tài chính tiền tệ quốc gia. Đây là điều không thể. Điều lo lắng là liệu hợp nhất thành công có vươn lên tầm quốc tế hay không” - ông Dũng khẳng định.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc hợp nhất 2 NH lớn giúp tăng vốn tự có nên khả năng chống đỡ rủi ro sẽ tốt hơn, mạng lưới chi nhánh mạnh hơn, có thể tham gia cung ứng tín dụng cho những dự án lớn, nâng vị thế cạnh tranh trong nước và khu vực.
Đặc biệt, hoạt động trên thị trường liên NH sẽ an toàn hơn. Vấn đề đặt ra cũng là nhược điểm với NH lớn là mạng lưới rộng nên quản trị doanh nghiệp phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn, chất lượng quản trị tốt hơn, hệ thống thông tin quản lý (MIF) phải hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, đây là xu thế phổ biến trên thế giới.
6 nội dung hợp tác chiến lược giữa Eximbank - Sacombank 1. Cho vay đồng tài trợ: 2 bên cùng hợp tác trong việc triển khai dịch vụ cho khách hàng vay vốn theo hình thức đồng tài trợ, đồng thời không tham gia cho vay các dự án có độ rủi ro cao. 2. Cấp hạn mức tiền vay (thanh khoản): Để hỗ trợ lẫn nhau trong việc tối đa hóa nguồn vốn sinh lời, hỗ trợ thanh khoản khi một bên có nhu cầu, 2 NH thống nhất cấp hạn mức mức tiền cho vay mà không cần tài sản đảm bảo đối ứng. 3. Kinh doanh tiền tệ: 2 NH hỗ trợ nhau trong việc kinh doanh ngoại tệ và vàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ lẫn nhau trong điều tiết trạng thái ngoại hối của mỗi bên theo quy định. 4. Nhân sự và đào tạo: 2 bên thống nhất cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo, tập huấn cho nhân sự các cấp của mỗi bên, trong từng thời kỳ các bên sẽ chọn lọc và giới thiệu nhân sự đủ năng lực để hỗ trợ nguồn nhân lực cho nhau. 5. Tái cấu trúc: 2 bên thống nhất hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm về công tác tái cấu trúc mọi mặt. 6. Chiến lược hợp nhất/sáp nhập: Trong vòng từ 3-5 năm, các bên sẽ nghiên cứu, xem xét trình ĐHCĐ cũng như cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện chiến lược hợp nhất/sáp nhập nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Thời điểm, hình thức và nội dung cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận sau tùy theo nhu cầu và xu hướng kinh tế trong từng thời kỳ. |