Muốn cướp mộ lên Facebook
Facebook không chỉ được sử dụng để tạo điều kiện cho IS bán hàng lậu, còn giúp IS đào tạo những kẻ cướp mộ mới, cung cấp một địa chỉ - nơi các thành viên của nhóm có thể chia sẻ kỹ thuật, hướng dẫn khai quật và định giá. Một người dùng Facebook ở Tunis đã chú thích bức ảnh chụp màn hình vệ tinh kèm theo hướng dẫn về cách sử dụng Google Earth để xác định các địa điểm khảo cổ đầy hứa hẹn để cướp mộ. Một người khác ở Ai Cập cung cấp hướng dẫn về việc lắp máy bơm để hút nước ngầm từ các hố khai thác. Nó gần giống như một chương trình tăng tốc cho những kẻ cướp mộ.
Việc bán hàng được tổ chức dưới dạng đấu giá trực tuyến, trong đó những kẻ cướp mộ đăng ảnh và video về hiện vật hoặc tổ chức các phiên Facebook Live và các thành viên đặt giá trong các bình luận. Các thành viên trong nhóm cũng gửi yêu cầu về các vật phẩm cụ thể, những người cướp mộ sẽ đi ra ngoài và săn lùng. Dự án ATHAR của Al-Azm và Katie A. Paul đã phát hiện hơn 1/3 tổng số hiện vật được quảng cáo trong các nhóm Facebook đến từ các khu vực xung đột. Tuy nhiên, các chính phủ nước ngoài thiếu thẩm quyền để kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của Facebook, còn các quốc gia xung đột thậm chí có ít nguồn lực hơn để chống lại các mạng này trên thực địa.
Vì vậy, một số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn cướp mộ đã kiến nghị Bộ Ngoại giao Mỹ tăng cường áp đặt các biện pháp nhập khẩu chặt chẽ hơn đối với các hiện vật lịch sử mà điển hình là Syria. Vào năm 2016, Mỹ đã thông qua luật cấm nhập khẩu tất cả tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác cổ của Syria, nhằm ngăn chặn nạn cướp mộ và kiềm chế dòng tiền của IS. Nhưng những kẻ buôn lậu đã tìm thấy kẽ hở khi chuyển các tác phẩm cổ vào Thổ Nhĩ Kỳ để ngụy tạo nguồn gốc, rồi những người buôn bán quảng cáo chúng là các tác phẩm Mesopotamian hoặc Byzantine.
Sự nửa vời của Facebook
Sự nửa vời của Facebook
Vào tháng 6-2019, ATHAR đã phát hành một báo cáo dài 90 trang có tiêu đề “Chợ đen Facebook về cổ vật: Buôn bán, khủng bố và tội ác chiến tranh”. Trong đó, Al-Azm và Paul đề xuất Facebook cấm quảng bá tài sản văn hóa bất hợp pháp theo tiêu chuẩn cộng đồng của mình. Cùng với đó, thay vì xóa nội dung vi phạm các điều khoản đó, hãy chia sẻ nội dung đó với các chuyên gia và quan chức thực thi pháp luật, những người có thể sử dụng nó như một bằng chứng tội phạm, khi họ truy tố các đối tượng liên quan và trả lại các hiện vật bị tịch thu về nguồn gốc của chúng.
Theo đó, các bài đăng trên Facebook đang trở nên phổ biến hơn trong các phiên tòa. Vào năm 2017, Tòa án Hình sự Quốc tế đã đưa ra trát về tội ác chiến tranh đối với một vị tướng Libya chỉ dựa trên các video được tải trực tiếp lên Facebook. Nhưng vào năm 2019, thay vì ghi lại bằng chứng về việc cướp mộ, Facebook bắt đầu xóa các nhóm cướp mộ. Al-Azm búc xúc: “Facebook là công cụ lưu giữ dữ liệu làm bằng chứng cho dù họ có muốn hay không. Và xét về đạo đức họ phải bảo quản dữ liệu này”.
Cuối cùng, vào tháng 6-2020, gần 1 thập niên sau vụ cướp mộ đầu tiên được ghi nhận và 1 năm sau báo cáo của dự án ATHAR, Facebook đã đưa ra chính sách về các hiện vật lịch sử. “Hiện chúng tôi cấm trao đổi, mua bán tất cả hiện vật lịch sử trên Facebook và Instagram” - Greg Man del, nhà quản lý chính sách công tại Facebook cho biết. Điều này bao gồm các khám phá khảo cổ học và bản thảo cổ, bia mộ, tiền xu, vật phẩm để lại và các bộ phận cơ thể được ướp xác.
Tuy nhiên, dù Facebook đã cấm bán các hiện vật lịch sử trong chính sách bằng văn bản của mình, nhưng nó không chủ động thực thi. Thay vào đó, Facebook chỉ hoạt động nếu người dùng báo cáo nội dung, điều mà Paul lập luận khó có thể xảy ra vì hầu hết việc buôn bán diễn ra trong các nhóm riêng tư. “Đây là lý do tại sao chúng ta thấy mọi thứ, từ động vật hoang dã, ma túy đến cổ vật tiếp tục phát triển trên nền tảng này, cho dù đã có chính sách chống lại điều này" - Paul nói.
Facebook hứa sẽ cải thiện?
Facebook hứa sẽ cải thiện?
Trong những tuần sau khi Facebook cập nhật chính sách của mình, Paul có báo cáo 11 được đăng về thực trạng "bán hàng trái phép", bao gồm 1 thanh kiếm cổ, đồ tạo tác tôn giáo lịch sử và 1 quan tài Ai Cập đã được quảng cáo trong nhóm có tên "Cổ vật Pharaonic để bán" bằng tiếng Ả Rập. 7 trong số các báo cáo đó đã được phản hồi, cho biết bài đăng đã được Facebook xem xét và "không được xác định là vi phạm" tiêu chuẩn cộng đồng của nó. 3 báo cáo được Facebook thông báo "không thể ưu tiên" vì thiếu người kiểm duyệt do Covid-19. 1 bài đăng có đồng tiền Benghazi đã bị xóa. “Chúng tôi cam kết thực thi chính sách. Vì chính sách này tương đối mới nên chúng tôi đang biên soạn dữ liệu đào tạo để thông báo cho hệ thống của mình, từ đó có thể thực thi tốt hơn. Đó là lĩnh vực chúng tôi sẽ cải thiện theo thời gian” - người phát ngôn của Facebook nhận xét.
“Facebook là công ty truyền thông xã hội lớn nhất trên thế giới. Nó cần đầu tư vào các nhóm chuyên gia để xác định và loại bỏ các mạng, thay vì chơi trò lố với các bài đăng và tài khoản riêng lẻ. Nếu không, sẽ không có gì thay đổi" - Al-Azm nói và cho biết mô hình kinh doanh của Facebook phụ thuộc vào việc tối đa hóa sự tương tác, có nghĩa thu hút càng nhiều nhóm, kết nối và người dùng càng tốt. Nhưng các hệ thống kiểm duyệt nội dung của nó có xu hướng đặt quyền vào người dùng cá nhân để giám sát lượng lớn bài đăng vi phạm quy tắc, trong khi các hệ thống tạo ra những bài đăng đó lại ẩn hiện.
Al-Azm và Paul có kế hoạch tiếp tục theo dõi các mạng lưới cướp mộ và trình bày những phát hiện của họ với Liên hiệp quốc, UNESCO và các cơ quan chức năng, với mục tiêu gây áp lực buộc Facebook phải thông qua và thực thi một chính sách hiệu quả. Tuy nhiên, tất cả vẫn xa vời và Facebook vẫn là thiên đường cho các hoạt động buôn lậu, tài trợ cho các tổ chức tội phạm và khủng bố.
Facebook cần phát huy mạnh mẽ sứ mệnh đưa thế giới đến gần nhau hơn, thay vì trở thành chợ đen của hoạt động buôn lậu, tài trợ cho các tổ chức tội phạm và khủng bố. |