TTCK hoảng loạn lan rộng
“Bộ phim” gây nhiều cảm xúc này có lẽ đang ở hồi kết, khi vào tuần cuối cùng của tháng 2, CK Mỹ giảm cực mạnh, chỉ số Dow Jones 30 công nghiệp (DJ30) đánh mất 3.000 điểm trong tuần. Nasdaq và S&P500 cũng chịu chung số phận. 27-2 là ngày DJ30 có mức giảm mạnh nhất lịch sử tính theo ngày, cho thấy sự hoảng loạn lan rộng.
Tuần cuối tháng 2 cũng đánh dấu cả 3 chỉ số CK Mỹ giảm mạnh nhất 12 năm qua, kể từ khủng hoảng kinh tế tài chính 2008. Dow Jones rớt thảm hơn 12%, S&P 500 mất 11,5% và Nasdaq sụt 10,5%.
Đầu tháng 3 mức giảm bớt đi và có những phiên phục hồi nhờ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) cứu lại với phát ngôn “hành động thích hợp”, kèm theo quyết định hạ lãi suất 0,5% do lo ngại dịch Covid-19 tiếp tục gây ảnh hưởng kinh tế.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi mọi người mua cổ phiếu (CP) và cáo buộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã làm nhà đầu tư (NĐT) hoảng sợ.
Tuy vậy, giới đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ “hành động thích hợp” của Fed, dù định chế này và các ngân hàng trung ương (NHTW) vẫn muốn hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. NĐT hoài nghi tác dụng của việc hạ lãi suất trong bối cảnh khủng hoảng về sức khỏe hiện tại sẽ đe dọa đến nguồn cung và nhu cầu trong nền kinh tế.
Cho dù các NHTW có làm gì đi chăng nữa, các nhà máy không thể sản xuất hàng hóa nếu họ không thể nhập nguồn nguyên vật liệu cần thiết từ các nước sản xuất. Người tiêu dùng cũng khó chi tiêu nếu họ không dám rời khỏi nhà.
Kết quả, các doanh nghiệp sẽ gặp khó, hiệu quả kinh doanh đi xuống, ảnh hưởng đến giá CK. NĐT cũng tin tưởng vào CDC nhiều hơn, khi cơ quan chuyên môn này cảnh báo tác động của Covid-19 đối với Mỹ có thể rất lớn và việc dịch lan rộng là "không thể tránh được”, đã phủ bóng đen lên TTCK Mỹ.
Dấu hiệu bất thường
Dấu hiệu bất thường
Giá vàng giảm mạnh chung với CK Mỹ, có ngày giảm tới gần 5%, mức mạnh nhất trong 7 năm, kể từ năm 2013. Trong lịch sử việc vàng với CK Mỹ đi chung chiều đã có nhiều giai đoạn, trừ giai đoạn dài 2011 và đầu 2018. Thông thường, 2 sản phẩm này luôn đi ngược với USD. Song từ đầu năm 2020, vàng và USD cùng chiều và ngược với CK Mỹ. Tuy vậy, thời gian qua cả 3 sản phẩm này đều cùng chiều, là điều bất thường báo hiệu những bất ổn nội tại bên trong thị trường tài chính.
Trong quá khứ, USD luôn ngược chiều với vàng, CK và các loại hàng hóa, do USD là đồng tiền định giá chính trong giao thương, nên khi USD tăng giá sẽ làm áp lực lên các sản phẩm khác và ngược lại. Do đó, USD tăng chưa bao giờ là tin tốt. Việc USD đi cùng chiều với CK Mỹ được xem là xấu mức độ 1, cùng chiều với vàng là xấu mức độ 2, nhưng cùng chiều với cả 2 được xem là siêu xấu, đặc biệt khi cả 3 cùng đi xuống, nghĩa là hầu hết sản phẩm trên thị trường tài chính đều bị bán tháo. Kể cả khi đi lên, đây cũng không phải là tin tốt bởi nó sẽ khiến giá cả mọi loại hàng hóa trở nên quá đắt.
Điều lưu ý ở đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phàn nàn và gây áp lực lên Fed không phải giảm lãi suất, mà mục đích chính là muốn giảm giá USD. Nếu các nước khác cũng có hành động tương tự sẽ bị ông Trump xếp ngay vào danh sách thao túng tiền tệ để trừng phạt, đồng thời cáo buộc các nước đánh cắp việc làm của người Mỹ hoặc gây tác động xấu đến kinh tế Mỹ.
Tương lai CK Mỹ?
Tương lai CK Mỹ?
TTCK Mỹ cần chuẩn bị những kịch bản xấu nhất, để từ đó có chính sách, biện pháp phòng tránh, hoặc ít nhất cũng hạn chế được tác hại. |
TTCK Mỹ trong vài năm qua đã có những thời điểm giảm cực mạnh, nhưng với sức sống mãnh liệt đã phục hồi mạnh mẽ, lấy lại những gì đã mất và tiếp tục đạt các mốc cao mới. Tuy nhiên, đã đến hồi kết của “bộ phim” dù hấp dẫn nhưng đã quá dài này, khi có quá nhiều các yếu tố không ủng hộ hoặc giảm dần sự hỗ trợ cho thị trường đang xuất hiện dày đặc hơn.
Từ năm 2018 tới đầu năm 2020, dù TTCK Mỹ vẫn lên nhưng dòng tiền rút ra khỏi thị trường CP, chuyển sang trái phiếu chính phủ (TPCP) và vàng. Cụ thể, trong 11 tháng kể từ tháng 12-2018 đến tháng 10-2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư CP trên toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh và kéo dài nhất của CP trong 5 năm trở lại đây.
Cùng thời gian này, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng đón nhận dòng vốn 372 tỷ USD. Riêng trong 1 tuần tháng 12-2019, các quỹ TPCP đã thu hút được 9,1 tỷ USD, trong khi chứng kiến 1,7 tỷ USD chảy ra khỏi các quỹ đầu tư CP. Khởi đầu tuần đầu năm 2020, giới đầu tư cũng đã rút 13,1 tỷ USD ra khỏi các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF nắm giữ CK Mỹ, đợt rút vốn lớn nhất kể từ tháng 9-2019. Trong cùng thời điểm, NĐT lại đổ 24,7 tỷ USD vào các quỹ TPCP, đánh dấu tuần rót vốn lớn nhất kể từ năm 2013.
Nhiều tổ chức tài chính, tổ chức kinh tế bắt đầu có những dự báo lo ngại nhiều hơn về TTCK Mỹ. Đơn cử là nhận định của Joseph Davis, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ Vanguard. Đây là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đang quản lý tới 5.600 tỷ USD, nổi tiếng về các sản phẩm đầu tư chỉ số và chiến lược đầu tư thụ động.
Theo Joseph Davis, 50% khả năng thị trường điều chỉnh trong năm 2020, cao hơn con số 30% của đánh giá trước đó. Cũng cần biết rằng nợ công của toàn thế giới tính đến cuối năm 2019 đã vượt 70.000 tỷ USD. Riêng Mỹ đóng góp 1/3 số này, thậm chí tỷ lệ ngày càng tăng khi TPCP Mỹ vẫn đang hút hàng liên tiếp, minh chứng qua hiện tượng lợi suất liên tục phá đáy.
Hiện tại, nhu cầu đầu tư an toàn không có dấu hiệu giảm sút, dòng tiền rút ra khỏi các kênh mạo hiểm như CK, bất động sản để tìm nơi trú ẩn chảy vào các “vịnh tránh bão” như vàng, nên CK Mỹ khó có thể một mình một ngựa, nhất là khi tỷ suất sinh lời quá cao hơn chục năm nay.
Dòng tiền cũng tập trung mạnh vào vàng (ảnh hưởng tới dòng vốn từ CK). Số liệu ước tính từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC) và Capital Economics, năm 2019 các NHTW mua khoảng 700 tấn vàng, cao nhất trong 60 năm. Những định chế tài chính lớn, đặc biệt là các quỹ ETFs ước tính đang nắm giữ 3.000 tấn vàng (cao nhất lịch sử mọi thời đại).
Người giàu phòng thủ
Người giàu phòng thủ
TTCK Mỹ vốn có sức sống mãnh liệt nhưng đã đến hồi kết, khi có quá nhiều yếu tố không ủng hộ hoặc giảm dần sự hỗ trợ cho thị trường đang xuất hiện dày đặc hơn. |
Khoảng 42% công ty trong ngành trên toàn cầu đang tăng dự trữ tiền mặt. Berkshire Hathaway, tập đoàn đầu tư của tỷ phú Warren Buffett, tới nửa cuối 2019 vẫn giữ lượng tiền mặt lớn nhất lịch sử của họ. Điều này đồng nghĩa họ bán hầu hết danh mục, chuẩn bị sẵn lượng tiền dồi dào cho cơ hội mới khi TTCK đi xuống.
Ở thời điểm hiện tại, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dù dịu bớt nhưng vẫn phủ bóng đen lên kinh tế toàn cầu. Đồng USD tăng giá liên tiếp bất chấp Fed hạ lãi suất liên tục, khiến CK Mỹ ngày càng đắt hơn, và nếu các tài sản khác giảm trước có thể kích hoạt các động thái chốt lời, bán CK bù lỗ.
Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và TPCP 30 năm giảm thấp nhất mọi thời đại, khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược ngày càng sâu hơn, cho thấy NĐT hoảng sợ càng có thêm lý do rút khỏi kênh CK, đặc biệt khi CK Mỹ vốn đang ở mức cao nhất lịch sử. Lợi suất TPCP Mỹ 10 năm lần đầu tiên trong lịch sử giảm về dưới 1%. Điều đặc biệt, trong suốt 2 tuần giao dịch vừa qua, gần như ngày nào lợi suất này cũng “tạo đáy lịch sử”, cho thấy tâm lý hoảng loạn bao trùm thị trường dẫn đến bán tháo bất chấp.
Rủi ro thanh khoản tăng cao, như S&P 500, bao gồm CP của các công ty lớn nhất thế giới, có tới hơn một nửa CP thường xuyên giao dịch dưới 150 triệu USD/ngày trong nhiều tháng nay. Quy mô thanh khoản này có vẻ lớn, nhưng thực tế rất nhỏ do đang có hàng ngàn tỷ USD từ các quỹ đầu tư theo chỉ số bám theo S&P 500 lớn gấp nhiều lần thanh khoản hiện tại.
Thống kê cũng cho thấy, các giao dịch tự động dựa trên máy tính ngày càng chiếm ưu thế, thậm chí có thể tới 80% giao dịch hàng ngày. Điều này làm gia tăng biến động của TTCK và nếu rủi ro xảy ra, các lệnh trên sẽ được kích hoạt bán tháo tự động hàng loạt như thác lũ không gì có thể cản lại được, khi các NĐT tổ chức, NĐT lớn vẫn còn nắm giữ rất nhiều loại CK mà thanh khoản đang dần cạn kiệt.
Ông Jamie Dimon, CEO của JP Morgan Chase, khuyến cáo rằng các quỹ ETFs đang quản lý lượng vốn nhiều chưa từng có. Nếu có điều xấu xảy ra buộc các quỹ này phải trả lại tiền cho NĐT, tức có thể gây ra những rủi ro dây chuyền, thậm chí là khơi mào cuộc khủng hoảng tài chính mới. JP Morgan cũng cho biết các quỹ thụ động như quỹ chỉ số, quỹ ETFs chiếm tới 60% tổng tài sản được quản lý đầu tư vào thị trường CP.