Trong số báo trước, ĐTTC đã có bài phản ánh một số doanh nghiệp trong nước áp dụng mô hình cửa hàng tiện lợi (CHTL) nhưng chưa được người tiêu dùng lựa chọn, bởi chưa thực sự hấp dẫn. Liên quan đến mô hình này, việc Trung Nguyên liên doanh với Ministop đã giúp hồi sinh thương hiệu G7 Mart. Song vẫn có không ít hoài nghi cho sự phát triển với tốc độ 500 cửa hàng trong 5 năm theo tuyên bố của liên doanh này.
Trong buổi họp báo diễn ra hồi cuối năm 2010, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT của Trung Nguyên, cho hay theo dự kiến liên doanh này sẽ triển khai chuỗi CHTL Ministop trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tổng vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD, G7 Mart chiếm 75% và Ministop nắm giữ phần còn lại.
Theo đó, CHTL đầu tiên của G7 Mart - Ministop sẽ khai trương vào tháng 5-2011, ít nhất 100 cửa hàng sẽ lần lượt khai trương trong năm 2011 và phát triển lên 500 cửa hàng trong vòng 5 năm. Tuy thế, kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên đã bị trì hoãn đến tháng 12-2011.
Không những không có lời giải thích chính thức nào cho sự lỡ hẹn này, mà ngay cả kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong năm 2011 cũng khó thực hiện khi những ngày cuối năm đang cận kề.
Tạm gác lại những điều chưa thuận lợi trong buổi đầu, không ít người tò mò liệu G7 Mart - Ministop có mang lại một luồng gió mới cho loại hình kinh doanh CHTL chưa mấy thành công tại Việt Nam, dù đã có nhiều cái tên ngoại tham gia.
Trước hết, phải nói về đối tác của Trung Nguyên. Ministop là công ty bán lẻ số 1 tại Nhật Bản thuộc tập đoàn AEON, một trong hai tập đoàn bán lẻ thương mại lớn nhất ở Nhật Bản. Tập đoàn có 195 công ty con tại Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á với 11.219 siêu thị và cửa hàng trên toàn thế giới.
AEON hoạt động trong tất cả lĩnh vực của ngành bán lẻ nhằm phục vụ đầy đủ các nhu cầu cuộc sống, từ trung tâm thương mại, siêu thị, CHTL tiện lợi đến các cửa hàng thời trang, dịch vụ tài chính và các cơ sở vui chơi giải trí. Một bản “lý lịch” dễ gây ngợp cho nhiều đối thủ trong làng bán lẻ, nhất là trong kinh doanh CHTL.
Cửa hàng G7 Mart-Ministop |
Và món ăn lạ mà G7 Mart - Ministop mang lại cho người tiêu dùng là kết hợp giữa mô hình bán thức ăn nhanh và bán hàng tạp hóa. Mô hình này được nhiều người trong giới đánh giá có thể thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng vì “lạ”.
Nhưng như một quy luật, cái gì cũng chỉ lạ thời gian đầu, về lâu dài còn hấp dẫn hay không chưa ai dám khẳng định, dù cho Ministop từng thành công ở nhiều nước châu Á khác. Nhưng nếu G7 Mart - Ministop chỉ thu hút người tiêu dùng bằng những món ăn nhanh lại chưa đúng bản chất của CHTL.
Theo chia sẻ của Trung Nguyên, điểm đặc biệt nhất của G7 Mart - Ministop chính là sự ưu tiên 100% hàng hóa Việt Nam trong hệ thống cửa hàng. Thoạt nghe, đây quả thực là một nỗ lực lớn của G7 Mart trong đàm phán.
Nhưng trước đó đã có không ít chuyên gia phân tích về “cái chết non” của chuỗi CHTL G7 Mart do doanh nghiệp này không thể kết nối với nhà sản xuất khiến sản phẩm không phong phú và giá thành không mang tính cạnh tranh. Bài học này liệu có được Trung Nguyên cân nhắc để không đi vào vết xe đổ mất 500 tỷ đồng cho hệ thống cũ?
Được biết, tham gia liên doanh này G7 Mart không chỉ được trợ lực về tài chính mà còn được học hỏi những kinh nghiệm về ngành bán lẻ như: thiết lập hệ thống cửa hàng, trung tâm phân phối, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống kho vận và chuỗi cung ứng, cẩm nang vận hành, đào tạo và huấn luyện nhân sự.
Nhưng tất cả chưa phải là lời khẳng định cho một thành công của liên doanh này. Bởi khi có liên doanh cần có sự hòa hợp trong văn hóa kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Có không ít ý kiến cho rằng G7 Mart đang hỉ hả với món hời nhận được trong liên doanh này.
Bởi thực tế G7 Mart giờ chỉ còn là cái “xác” - hệ thống mặt bằng - còn phần “hồn” dường như phải cùng Ministop xây dựng lại từ đầu. Tuy nhiên, cần biết rằng đối tác Nhật Bản này không phải “kẻ khù khờ” trong kinh doanh.
Ghé qua cửa hàng G7 Mart - Ministop trong những ngày này, thấy lượng khách ra vào không lớn. Đó cũng là hoàn cảnh chung của CHTL hiện nay. Có thể khẳng định hầu hết đều chưa thành công.
Một trong những nguyên nhân là tham vọng của các nhà kinh doanh muốn thay đổi thói quen mua sắm ở những cửa hàng tạp hóa vốn ăn sâu vào tâm thức người tiêu dùng Việt Nam. Song điều này hết sức khó khăn. Thêm vào đó là khả năng mở rộng hệ thống theo đúng tuyên bố buổi ban đầu cũng là một thách thức.