G7 sẽ tìm kiếm thêm đồng minh trước khi quyết định áp đặt mức trần lên giá dầu Nga

Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, hai tháng sau khi đồng ý xem xét việc áp đặt mức trần lên giá dầu của Nga, các nước G7 vẫn đang cố gắng kêu gọi thêm các quốc gia khác tham gia vào nỗ lực này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Liên minh phải rộng hơn và đây là giai đoạn ngoại giao mà các nhà đàm phán đang tham gia”, một quan chức châu Âu cho biết và yêu cầu giấu tên do là vấn đề nhạy cảm.

Mỹ và các đồng minh đã cấm nhập khẩu dầu của Nga. Hiện các quốc gia đang đàm phán về lệnh cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu của Nga sang các nước khác, trừ khi việc mua bán dưới mức giá ấn định nhằm mục tiêu hạn chế doanh thu mà Nga nhận được, nhưng vẫn giữ dầu của Nga trên thị trường để tránh gián đoạn nguồn cung.

Các nhà nhập khẩu dầu chính của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chưa cho biết liệu họ sẽ tham gia vào việc áp đặt mức trần giá hay sẽ đàm phán các thỏa thuận riêng của họ với Nga. Sự tham gia của các quốc gia này có thể xác định mức độ đòn bẩy mà các quốc gia phương Tây thiết lập giá.

Một quan chức cấp cao của bộ tài chính thuộc G7 cho biết: “Còn quá sớm để bắt đầu thảo luận về giá cả trước khi liên minh thống nhất với nhau”.

Các nhà lãnh đạo nước ngoài và các quan chức tài chính sẽ có một số cuộc họp trong hai tháng tới tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc ở New York, các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới ở Washington, và các hội nghị thượng đỉnh đa phương ở nước ngoài để thảo luận về cơ chế này. Các nhà đàm phán kỳ vọng rằng G20 sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm họ tập trung tại Bali, Indonesia vào giữa tháng 11.

Quan chức châu Âu cho biết: “Kỳ vọng rằng các nước G20 có thể thông báo về sự tham gia vào thời điểm đó. Cho đến lúc đó, chưa có cuộc thảo luận nào về mức giá cụ thể cho phép bán dầu thô của Nga, các sản phẩm tinh chế giá trị cao và sản phẩm tinh chế giá trị thấp giữa các đồng minh”.

Trong những ngày gần đây, các nhà đàm phán G7 đã chính thức hóa ý định theo đuổi việc áp đặt mức trần giá với dầu của Nga. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gợi ý rằng, Mỹ không nhất thiết cần Trung Quốc hoặc Ấn Độ tham gia để chính sách có hiệu lực như dự kiến.

“Chúng tôi đã thấy sáng kiến này có hiệu quả vì các quốc gia đang mua dầu của Nga với giá chiết khấu đáng kể”, bà Yellen cho biết.

Mặt khác, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến việc áp đặt mức trần giá sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.

Các tin khác