Câu chuyện tiêu thụ lúa hàng hóa đông xuân ở ĐBSCL đang nóng lên khi từ ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Đây được xem là giải pháp can thiệp để tránh tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thông, sản lượng lương thực năm 2012 đạt mức cao nhất từ trước tới nay trên 43 triệu tấn. Song, đàng sau những con số ấn tượng đó vẫn là những băn khoăn về chuyện định vị cho thương hiệu gạo xuất khẩu Việt Nam.
Chúng ta xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo, tương đương hơn 15,5 triệu tấn lúa (chiếm hơn 1/3 sản lượng lương thực cả nước). Nói nôm na, trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa, chất lượng không đồng đều… được thương lái thu gom rồi sau đó phân loại 5%, 15%, 35% tấm để xuất khẩu. Làm như thế liệu có tạo nên thương hiệu mạnh trên thương trường?
Việt Nam đang ở vị thế “quán quân” trong xuất khẩu gạo, thế nhưng khi định vị cho thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn lắm chuyện buồn, đặc biệt trong phân khúc gạo thơm. Lâu nay, Thái Lan gần như độc chiếm thị trường gạo thơm có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Từ khi tham gia xuất khẩu gạo thơm đến nay, giá gạo thơm Việt Nam vẫn thấp hơn của Thái Lan từ 100-250USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu do gạo thơm của Thái Lan có những thương hiệu mạnh như gạo thơm Hom Mali.
Thị trường gạo thơm trên thế giới chia thành 2 dạng: gạo thơm đặc sản (truyền thống) và gạo thơm cao sản. Phân khúc gạo thơm đặc sản như Basmati của Ấn Độ, Khaodakmali của Thái Lan. Những loại gạo này giá rất cao trên thị trường từ 4-5USD/kg. Còn gạo thơm Việt Nam khó chen chân vào phân khúc này, vì chất lượng gạo thơm các nước trội hơn hẳn.
Vì vậy, không có gì khó hiểu khi lượng gạo thơm Việt Nam xuất khẩu rất nhỏ. Trong 2 năm gần đây, lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam dao động ở mức 400.000-500.000 tấn/năm, chiếm chưa tới 10% lượng gạo xuất khẩu.
Nhưng nghe qua, con số xuất khẩu 400.000-500.000 tấn gạo thơm/năm cũng tạo được ấn tượng, nhất là trong bối cảnh gạo phẩm cấp thấp của Việt Nam khó “đấu” với Ấn Độ, Pakistan. Tuy nhiên, đi vào tìm hiểu thực tế mới thấy “đẳng cấp” vẫn còn thấp.
Một DN xuất khẩu gạo thuộc loại lớn ở ĐBSCL cho biết chưa xuất được lô hàng gạo thơm nào có thương hiệu chính danh. Mà gạo thơm xuất ở đây là do khách hàng yêu cầu cung cấp như gạo thơm Jasmine, thông qua một cơ quan giám định kiểm hàng rồi xuất.
Tỷ lệ gạo thơm có thương hiệu như Nàng thơm Chợ Đào, ST, Một Bụi đỏ… chỉ chiếm 10-20%, nghĩa là có đến 80-90% gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay nằm ở dạng gạo thơm 5% tấm chung chung. Vì vậy, đến nay giá xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam vẫn chưa “thơm”.
Thực tế, đã có một số DN đầu tư cho nông dân trồng lúa thơm theo tiêu chuẩn Global GAP hẳn hoi, với hy vọng sẽ gia tăng số lượng xuất khẩu gạo thơm.
Nhưng đến nay nhiều mô hình dạng này đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu DN chưa đủ lực và chưa thật sự mặn mòi. Cách làm nửa vời này đang đẩy nông dân trồng lúa thơm vào thế “dở khóc, dở cười”. Việt Nam là cường quốc xuất khẩu trong hơn 1 thập niên qua.
Nhưng thật buồn, đến nay bài toán định vị cho thương hiệu, nhất là thương hiệu gạo thơm, vẫn chưa có lời giải căn cơ.