Từ câu chuyện gạo ST25 bị nhái tràn lan, khiến gạo Việt có thể bị cấm tham gia cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới do The Rice Trader (TRT) tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng tình hình đã đến mức "quá tệ".
Chưa từng thấy gạo nơi nào vi phạm tràn lan như ở Việt Nam
Ngày 2-11, bà Phan Mai Hương - giám đốc phát triển kinh doanh của TRT tại Việt Nam - cho biết trong buổi họp sáng cùng ngày giữa các thành viên ban tổ chức hội nghị gạo quốc tế và cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới ở Dubai vào tháng 12 tới, lãnh đạo TRT tiếp tục bàn về vấn đề tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Trong vòng một tuần nữa trụ sở chính của TRT tại Mỹ sẽ có thông báo cuối cùng về sự việc này.
Ban tổ chức đã mời các đầu bếp nổi tiếng thế giới đến Dubai để nấu các loại gạo ngon nhất mà các quốc gia đem đến dự giải năm 2021. Sẽ thật đáng buồn và bất ngờ không chỉ cho ban tổ chức mà có lẽ là nhiều người khi gạo Việt Nam không được tham dự vì lý do trên.
Cũng theo bà Hương, sau hơn 10 năm tổ chức cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới có nhiều quốc gia đoạt giải, trong đó ở Đông Nam Á có Thái Lan, Việt Nam, Campuchia nhưng chưa bao giờ TRT thấy hiện tượng vi phạm sở hữu trí tuệ, sử dụng thương hiệu và logo của đơn vị khác một cách tràn lan như ở Việt Nam.
"Tôi rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã lên tiếng cảnh báo hiện tượng vi phạm nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ của nhiều đơn vị làm ăn không đàng hoàng. Nhưng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng Việt Nam sớm có tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề này. Tôi rất lo cho thương hiệu và uy tín gạo Việt Nam, cũng như cho tác giả các giống lúa ST là bác Hồ Quang Cua đã mất công nghiên cứu, đem đi thi nhiều năm và tuân thủ quy định của ban tổ chức" - bà Hương chia sẻ.
Ngày 2-11, phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục liên hệ với chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhưng không được. Trước đó, văn phòng VFA chỉ cho biết hiệp hội chưa nhận được thông báo mời tham gia cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới của TRT. Ngay từ khi TRT phát đi thông báo cảnh báo về vấn đề này hồi tháng 5-2021, Tuổi Trẻ đã liên tục liên hệ với lãnh đạo VFA nhưng chỉ nhận được câu trả lời "hiệp hội chưa nhận được thông tin chính thức".
Có tiền, chưa chắc mua đúng gạo ngon
Vừa đổi mẫu mã bao bì, ba ngày sau ngợp trời bao bì giống y chang. Nhiều nhất ở thị trường Hà Nội và TP.HCM, tôi bó tay luôn. Ông Hồ Quang Cua |
Tại Sóc Trăng - cái nôi của danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới ST25 năm 2019 - vẫn có tình trạng gạo thơm dỏm. Cách đây vài ngày biết anh Long (phường 4, TP Sóc Trăng) làm trong lĩnh vực xây dựng, quan hệ rộng nên được một người bạn ở Hà Nội nhờ mua giúp 1 tấn gạo ST25 để làm quà biếu.
Anh Long gọi cho một đại lý gạo ở TP Sóc Trăng, giá 24.000 đồng/kg, đựng trong túi 10kg. Khi anh Long báo lại cho người bạn ở Hà Nội thì anh này đề nghị anh Long hỏi lại đại lý có phải là gạo ST25 chính hãng không, vì đã từng mua gạo ST25 chính hiệu của ông Hồ Quang Cua, giá mua tại đại lý thấp gì cũng 28.000 đồng/kg, đựng trong túi 5kg. Sau một hồi bị anh Long gặng hỏi, đại lý này mới thừa nhận là gạo ST25… tự sản xuất, tự đóng gói.
Đề cập trường hợp của anh Long, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 - cho biết sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam vô tư sử dụng thương hiệu này trên bao bì gạo, bày bán khắp nơi trong cả nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp không biết rằng thương hiệu Gạo ngon nhất thế giới là sở hữu duy nhất của Tổ chức TRT và đã được đăng ký bảo hộ ở Mỹ cách đây 12 năm.
Ông Cua cho biết Doanh nghiệp Hồ Quang Trí do con trai ông làm giám đốc là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được TRT chính thức chấp thuận cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới độc quyền của họ cho mục đích tiếp thị và kinh doanh. "Nhưng trên thực tế, gạo kém chất lượng, nhái gạo thơm ST25 tràn lan, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng" - ông Cua bức xức.
Ông Cua cho biết để tránh tình trạng gạo kém chất lượng tràn lan, nhái gạo thơm ST25, Doanh nghiệp Hồ Quang Trí đã thiết kế, đổi mẫu mã bao bì, trên đó có in hình chân dung của ông và mã vạch để truy xuất nguồn gốc. "Vừa tung ra thị trường, ba ngày sau ngợp trời bao bì giống y chang. Nhiều nhất ở thị trường Hà Nội và TP.HCM, tôi bó tay luôn" - ông Cua ngao ngán.
Gạo ST25 đóng túi 5kg, có in hình của tác giả, mã vạch nhưng bị làm nhái chỉ sau vài ngày - Ảnh: KHẮC TÂM
Chính quyền: khó xử lý
Ông Nguyễn Hùng Em - cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng - cho biết qua kiểm tra phát hiện nhiều cơ sở nhái gạo và giống ST25. Theo ông Em, tại Hà Nội và TP.HCM cũng có nhiều người bán gạo ST25 kém chất lượng, nhái gạo ST25.
Tuy nhiên đến nay đơn vị chưa xử lý được trường hợp nào. Đơn vị đã yêu cầu doanh nghiệp của ông Cua cung cấp văn bản, giấy tờ liên quan đến gạo ST25 như đăng ký bảo hiệu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, nhãn mác bao bì… nhưng doanh nghiệp chưa thực hiện.
Trong khi đó, một lãnh đạo thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thừa nhận đơn vị chưa từng kiểm tra riêng lẻ lĩnh vực kinh doanh lúa gạo mà thường phối hợp Ban chỉ đạo 389 của tỉnh kiểm tra ở lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Không chỉ gạo ST25, ông Võ Công Thức - phó giám đốc Công ty Lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời - cho biết cách nay 4 tháng tại Hậu Giang có in bao bì giống Lộc Trời (có cả logo) để bán gạo cho khách hàng. Khi đơn vị hay tin đã báo cho họ thì họ nhận sai sót. Trong vụ này, đơn vị rút kinh nghiệm chưa thông tin rõ ràng nên đã bị làm giả.
Theo ông Thức, hiện nay tình trạng làm giả thương hiệu rất phổ biến. Riêng mặt hàng gạo do đặc thù ít thương hiệu, chủ yếu bán từng bao gạo ra thị trường nên một số người đã lợi dụng thương hiệu gạo có uy tín để làm giả thương hiệu.
"Chất lượng gạo làm nhái chưa ai biết, không kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Việc làm giả gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vì thương hiệu, uy tín bị ảnh hưởng…" - ông Thức nói.
Ông Thức đề nghị chính quyền các cấp và cục quản lý thị trường các tỉnh phải kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ việc làm giả, nhái thương hiệu theo quy định. Đặc biệt phải có chế tài, xử phạt mạnh đối với việc làm giả, làm nhái. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh gạo phải công bố thông tin gạo giả thương hiệu, gạo thương hiệu thật và số lượng đại lý bao nhiêu.
Ông Trần Bằng Việt (tổng giám đốc Đông A Solutions):
Việc gạo Việt Nam có nguy cơ mất cơ hội tham gia cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới là "quá tệ!". Thói quen khôn lỏi, làm ăn chụp giật của một bộ phận cá nhân và doanh nghiệp đã làm tổn hại đến uy tín và cơ hội không chỉ một thương hiệu, mà còn là cả một ngành và một quốc gia.
Văn hóa kinh doanh thì chắc ai cũng dễ thấy: thời vụ, tranh thủ, thậm chí chụp giật. Nhưng văn hóa không tự dưng mà được hình thành. Vì hầu như ai cũng có xu hướng tranh thủ "thêm một tí" nếu biết rằng mình sẽ không bị phạt. Vậy nên vai trò của pháp trị ở đây là rất rõ ràng để thiết lập tiêu chuẩn cho môi trường kinh doanh, tạo tiền đề cho văn hóa kinh doanh ngày càng tiến bộ.
Ông Tầng Phú An (giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh An Giang):
Chúng tôi được giao chủ trì cùng Tập đoàn Lộc Trời xây dựng thương hiệu gạo An Giang. Trước tình trạng nhiều người làm giả, nhái thương hiệu gạo nổi tiếng như ST25 thời gian qua thì đơn vị cố gắng vừa xây dựng thương hiệu gạo vừa đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Tôi phấn đấu hết năm 2022 sẽ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo An Giang để khi gạo này cung cấp ra thị trường sẽ truy xuất nguồn gốc gạo rõ ràng, tránh bị giả, nhái như hiện nay.