Làm rõ dấu hiệu gian lận xuất xứ gạo Việt Nam

(ĐTTCO)- 3 lô hàng gạo nhập khẩu và xuất khẩu qua cảng Cát Lái có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam vừa được Cục Hải quan TP HCM phát hiện, tạm giữ để điều tra làm rõ, bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam. 

Làm rõ dấu hiệu gian lận xuất xứ gạo Việt Nam

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, thuộc Cục Hải quan TP HCM - đơn vị đang tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam. Lô hàng này thuộc 2 tờ khai nhập khẩu do một doanh nghiệp tại Hà Nội đăng ký, làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái vào cuối tháng 2 và tháng 3/2021.

Theo khai báo trên tờ khai hải quan, lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện toàn bộ số gạo nhập khẩu được đóng gói 50kg/bao, trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Cụ thể, trên bao bì mỗi bao gạo đều ghi rõ tên thương hiệu, địa chỉ nhà máy, địa chỉ doanh nghiệp tại Việt Nam; thành phần gạo 5% tấm... Từ các thông tin kiểm tra, nghi vấn có sự giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ toàn bộ lô hàng để điều tra, xác minh làm rõ.

Thực tế, thời gian gần đây, ngành gạo Việt Nam đã xuất hiện dấu hiệu bị giả mạo xuất xứ của gạo trắng Việt Nam. Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ, các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%. Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ chỉ ở mức khoảng 400 USD/tấn và 280 USD/tấn, thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với giá gạo Việt Nam.

Do đó, gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với gạo Việt Nam. Vì vậy, Cục Hải quan TP HCM đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo trắng Việt Nam.

Các tin khác