Gạo Việt vào châu Âu bằng thương hiệu

(ĐTTCO) - Câu chuyện hạt gạo Việt xâm nhập thị trường châu Âu bằng chính thương hiệu sẽ tạo đà cho những đột phá mới trong năm nay.

Việt Nam không chỉ dẫn đầu về xuất khẩu lúa gạo, mà còn chuyển đổi sang lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp (Ảnh minh họa)
Việt Nam không chỉ dẫn đầu về xuất khẩu lúa gạo, mà còn chuyển đổi sang lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp (Ảnh minh họa)

Năm 2023, ngành lúa gạo đã chạm mốc kỷ lục khi xuất khẩu tới 8 triêu tấn và thu về 4,8 tỷ USD. Nhờ quyết tâm chuyển từ số lượng sang chất lượng, kết quả đạt được năm qua là quả ngọt cho những nỗ lực của nông dân và doanh nghiêp Việt.

Câu chuyện hạt gạo Việt xâm nhập thị trường châu Âu bằng chính thương hiệu là minh chứng cho thấy bước chuyển mình quan trọng của những người nông dân, doanh nghiệp và điều này đã tạo đà cho những đột phá mới trong năm nay.

Từ năm 2019, khi gạo ST 25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới, đó cũng là thời điểm anh Thanh và các cộng sự lên ý tưởng xuất khẩu gạo dưới thương hiệu Việt Nam.

"Gạo Thái Lan vào châu Âu đã 30 năm, họ là người đầu tiên đưa vào nên chất lượng gạo của họ là tiêu chuẩn chung cho gạo thơm từ châu Á. Khó khăn chúng tôi gặp phải không phải là giá cả mà phải thuyết phục người tiêu dùng họ biết, họ thử. Khi họ thử lần đầu tiên và quay lai lần thứ 2, thứ 3 chúng tôi biết chắc rằng sản phẩm vào được thị trường", anh Thanh chia sẻ.

Bà Mirka Masaryk - người tiêu dùng châu Âu cho biết: "2 - 3 năm nay tôi đã biết đến gạo Việt Nam, trước đó chúng tôi không có khái niệm gì vì gạo Việt Nam sang đây thường dưới thương hiệu của các nước khác".

Năm 2023, ngành lúa gạo đã chạm mốc kỷ lục khi xuất khẩu tới 8 triêu tấn và thu về 4,8 tỷ USD (Ảnh minh họa)

Từ năm 2024, những túi gạo 1 kg sẽ xuất hiện nhiều hơn ở châu Âu với mức giá 1,8 - 3 Euro/kg. Dư địa tăng về giá là không nhiều khi gạo giá gạo Việt đã cao hơn gạo Thái và Campuchia. Con đường để hạt gạo mở rộng thị phần là tạo ra sự ổn định về giá và khác biệt về chất lượng.

130 đại lý gạo Việt tại 12 thị trường lớn của châu Âu đã được thiết lập. Sau nhiều nỗ lực, con số 60 - 70% người châu Á sử dụng gạo ST của Việt Nam là cơ sở để tạo sự lan tỏa sang người châu Âu.

Hiện, nhiều cánh đồng được quy hoạch chuyên sản xuất gạo phục vụ thị trường châu Âu. Lúa trước khi thu hoạch đều được lấy mẫu kiểm nghiệm nhằm đáp ứng hàng chục chỉ tiêu.

Đặc biệt, lúa trước khi về nhà máy phải đảm bảo độ ẩm 25 - 27%, nếu khô quá gạo sẽ giảm thơm, dễ bị gãy. Việc doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch đã tạo ra những sản phẩm chất lượng luôn ổn định.

Nông dân và doanh nghiệp cả nước đã đi một hành trình từ bát cơm đầy khi xưa đến bát cơm thơm ngon hôm nay. Nâng tầm nghề gốc gác của cha ông cũng là nâng tầm vị thế quốc gia, trong xu thế lương thực sẽ ngày càng quý giá và đắt đỏ.

Mục tiêu trở thành trung tâm lương thực thế giới

Với gần 4 triệu ha đất canh tác lúa, những khởi sắc của lúa gạo năm qua giúp Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân mà còn đóng vai trò quan trọng cho "dạ dày" của thế giới. Sứ mệnh nuôi sống con người bằng những sản phẩm nông sản chất lượng gắn với bảo vệ môi trường của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

TS. Robert Caudwell - đại diện Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế tại Việt Nam - nhận định: "Việt Nam không chỉ dẫn đầu về xuất khẩu lúa gạo mà còn chuyển đổi sang lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Con đường này sẽ đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp phân khúc gạo cao cấp và có cơ hội chiếm giữ giá cao hơn trên thị trường toàn cầu. Từ đây, tiếng nói của Việt Nam trong các cuộc đàm phán lúa gạo cũng sẽ khác".

Bà Carolyn - Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - cho biết: "Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí chọn Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD. Từ Việt Nam chúng ta sẽ mở rộng chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng xanh vì con người".

"Trong bối cảnh một số quốc gia ngưng xuất khẩu gạo, Việt Nam đang làm tốt sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực. Chúng tôi kỳ vọng những khởi sắc của hạt gạo Việt ngay đầu năm 2024, Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành trung tâm lương thực của thế giới", ông Reeesmi Nono Womdim - Trưởng Đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam - đánh giá.

Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Các tin khác