Ghế nóng ngân hàng biến động: Hy vọng làn gió mới

(ĐTTCO)-Giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến việc ngân hàng thay đổi lãnh đạo điều hành, bởi mỗi lần thay chủ 'ghế nóng' sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các nhà băng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Như thường lệ hàng năm, hàng loạt ngân hàng "thay ghế" nhân sự cao cấp trước mùa đại hội cổ đông. Ngay từ đầu năm 2023, nhiều ngân hàng đã bất ngờ thay ghế nóng hàng loạt nhân sự.

“Ghế nóng” liên tục dậy sóng

Ghi nhận một loạt ngân hàng như MB, SHB, Lienvietpostbank, Agribank, Eximbank, HDBank, ACB… đã công bố thay đổi nhân sự cấp cao ở nhiều vị trí.

Theo đó, SHB vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc bầu nhân sự đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027 là ông Đỗ Quang Vinh và ông Đỗ Đức Hải - những người từng giữ trọng trách thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc ngân hàng này.

Theo SHB, việc tăng cường nhân sự cho nhiệm kỳ 2022-2027, cơ cấu Hội đồng quản trị của ngân hàng đang được trẻ hóa, là bước kiện toàn quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Một ngân hàng khác cũng có biến động nhân sự cấp cao là Eximbank. Tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra, cổ đông Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng. Ngay trước thềm đại hội, 2 ông này đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Một bất ngờ với thị trường là trường hợp của MB. Ngày 13/4, ngân hàng này đã công bố quyết nghị của Hội đồng quản trị về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị MB đối với ông Lê Hữu Đức theo nguyện vọng cá nhân đồng thời bầu ông Lưu Trung Thái làm Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024. Trước khi được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lưu Trung Thái giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB.

Hội đồng quản trị MB cũng giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của Tổng Giám đốc. Ông Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng.

Thông tin này được công bố ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của MB, dự kiến được tổ chức vào ngày 25/4 tới.

Ngoài ra, HDBank cũng dự kiến trình cổ đông trong đại hội ngày 26/4 tới đây thông qua việc miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Tâm, thành viên Hội đồng quản trị theo nguyện vọng cá nhân và bầu bổ sung ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022-2027.

Một số ngân hàng khác cũng thay nhân sự cấp cao như Agribank đồng loạt có 3 phó tổng giám đốc mới là bà Phùng Thị Bình - Trưởng ban thẩm định và phê duyệt tín dụng Agribank, ông Hoàng Minh Ngọc - Giám đốc Agribank chi nhánh Gia Lâm và ông Lê Hồng Phúc - Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Agribank.

Còn theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2023 của Vietcombank, ngân hàng này dự kiến bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 với các đề cử gồm có 6 thành viên đương nhiệm: Ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Nguyễn Thanh Tùng (Tổng Giám đốc); ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào và ông Hồng Quang đều là thành viên Hội đồng quản trị.

Danh sách trên không có tên hai thành viên đương nhiệm là ông Shojiro Mizoguchi (thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc, người đại diện phần vốn của Mizhuo Bank tại Vietcombank) và ông Trương Gia Bình (thành viên độc lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT).

TPBank cũng vừa cập nhật tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Số lượng thành viên được bầu vào Hội đồng quản trị là 6 người, trong đó có 1 thành viên độc lập. Danh sách ứng cử viên trình Đại hội đồng cổ đông xem xét có 4 thành viên thuộc Hội đồng quản trị nhiệm kỳ cũ là ông Đỗ Minh Phú (Chủ tịch), ông Đỗ Anh Tú, ông Lê Quang Tiến và ông Shuzo Shikata (Phó Chủ tịch).

Hai ứng cử viên mới là bà Nguyễn Thị Mai Sương từng là Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội nhiệm kỳ 2009-2016 và bà Võ Bích Hà có 20 năm làm việc tại BIDV, từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Ban Quản lý đầu tư, Trưởng ban Ban Kiểm soát của ngân hàng. Bà Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 12/2022.

Liệu có mang đến “làn gió mới”?

Thay đổi nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã diễn ra khá sôi động trong vài năm trở lại đây, khi nhiều ngân hàng tiến hành M&A, đổi chủ. Biến động này thường nhộn nhịp hẳn lên trước thềm Đại hội đồng cổ đông.

Thực tế, thị trường đã chứng kiến không ít ngân hàng thay lãnh đạo điều hành. Trong khi đó, lãnh đạo cao cấp tại các ngân hàng thường có sự dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác.

Giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến biến động này bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các ngân hàng.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng phải "thay tướng" như do người tiền nhiệm nghỉ vì nguyên nhân sức khỏe, do thay đổi lớn về chủ sở hữu, do chiến lược kinh doanh, thay đổi nhiệm kỳ… Việc này được kỳ vọng sẽ tạo “làn gió mới” cho ngành ngân hàng.

Giới đầu tư và cổ đông rất quan tâm đến biến động nhân sự cao cấp, bởi mỗi lần ngân hàng thay chủ “ghế nóng” sẽ tác động lên giá cổ phiếu của các ngân hàng. (Ảnh: Vietnam+)

Nhìn nhận về làn sóng thay đổi "ghế nóng" tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sự thay đổi này là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, cùng với những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.

Đồng quan điểm, chuyên gia Võ Trí Thành khẳng định sự xáo trộn "ghế nóng" là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay.

Dự báo sắp tới làn sóng nhân sự giữ các chức vụ chủ chốt tại các ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục biến động do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng định hướng lại chiến lược kinh doanh, do vậy cần các nhân sự phù hợp với quá trình phát triển mới.

Các chuyên gia cũng nhận định sau làn sóng biến động nhân sự cao cấp lần thứ nhất với những biến cố năm 2011 và 2012, ngành ngân hàng đang chứng kiến làn sóng thay đổi "dồn dập" tiếp theo. Nếu giai đoạn trước, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng ngã ngựa vì sai phạm thì giờ đây nhiều nhân sự cao cấp cũng được thay đổi để các tổ chức tín dụng tiến hành công cuộc tái cấu trúc nhằm phát triển ngày một lành mạnh hơn.

Các tin khác