Mặt dù giá kim loại này đã giảm liên tục kể từ đầu tháng 3 đến nay, do cộng hưởng 2 tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ gấp gáp, và nhu cầu suy yếu bởi nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, công ty tư vấn kinh tế độc lập hàng đầu Oxford Economics, trong nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ việc phân bổ tiền vào kim loại bạc với tỷ lệ 4-6% danh mục tài sản.
Diễn biến giá và nguyên nhân
Diễn biến giá và nguyên nhân
Tính đến ngày 26-10, giá hợp đồng bạc kỳ hạn tháng 12 trên sàn COMEX được giao dịch quanh mức 19,6USD/ounce, tương ứng giảm 28,7% so với mức đỉnh ngày 8-3. Không chỉ riêng đối với bạc, giá các mặt hàng kim loại phổ biến khác cũng giảm mạnh trong cùng khoảng thời gian. Giá vàng và đồng trên sàn COMEX ghi nhận giảm lần lượt 19,5% và 28,4% so với mức đỉnh của năm nay.
Nguyên nhân giảm giá của bạc đến từ 2 thành phần chính trong cơ cấu nhu cầu tiêu thụ đối với kim loại này, là nhu cầu công nghiệp và nhu cầu đầu tư. Theo số liệu của hãng Hecla (sản xuất bạc lớn nhất nước Mỹ), nhu cầu sử dụng bạc trên toàn cầu dùng trong công nghiệp khoảng 540 triệu ounce (tương đương 16.800 tấn) chiếm tỷ trọng 49,1% tổng nhu cầu. Trong đó, ngành điện tử có nhu cầu khoảng 330 triệu ounce, chiếm 61% trong tổng nhu cầu sử dụng của lĩnh vực công nghiệp. Nhu cầu cho ngành quang điện khoảng 127 triệu ounce, tương đương 24%. Nhu cầu còn lại cho ngành luyện kim và nhu cầu khác chiếm tỷ trọng lần lượt 9% và 6% trong nhu cầu công nghiệp.
Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chip bán dẫn (hệ quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung), ngành điện tử đang ở trong giai đoạn sụt giảm nhu cầu lan rộng, ảnh hưởng lớn tới nhu cầu sử dụng kim loại bạc. Mới đây, cuối tháng 10, Công ty Texas Instruments Inc. (nhà sản xuất chip ứng dụng trong mọi thứ từ thiết bị gia dụng cho tới tên lửa) đã chứng kiến giá cổ phiếu giảm 6,1% chỉ trong một phiên giao dịch, sau khi ghi nhận dự báo doanh thu và lợi nhuận giảm. Giám đốc tài chính của công ty cho biết không thể nói liệu sự sụt giảm nhu cầu hiện tại chỉ đơn giản là khách hàng cắt giảm để giảm hàng tồn kho, hay liệu có mối liên quan sâu sắc hơn đến sức khỏe của nền kinh tế hay không. Nhu cầu giảm còn đến từ ngành luyện kim khi làn sóng tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới đã tác động tiêu cực đến kế hoạch đầu tư sản xuất.
Bên cạnh sự sụt giảm về nhu cầu dùng trong công nghiệp, yếu tố nhu cầu đầu tư cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong việc ảnh hưởng đến giá của bạc. Cũng giống như vàng, nhu cầu đầu tư vào bạc chiếm tỷ trọng 28% trong tổng nhu cầu của kim loại này. Giá trị đầu tư vào bạc trong năm 2021 theo thống kê của Hecla khoảng 7,8 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 13,4% so với giá trị đầu tư vào vàng trên toàn cầu là 58,2 tỷ USD. Nhưng tác động của việc tăng lãi suất USD của Fed đã gây ảnh hưởng không hề nhỏ đối với nhu cầu đầu tư bạc, bởi lẽ tỷ trọng 28% trong cơ cấu nhu cầu cũng khá cao.
Theo thống kê mức độ tương quan giữa giá các kim loại vàng, bạc, đồng, platinum với mức lợi suất trái phiếu Mỹ (có điều chỉnh theo lạm phát) từ năm 2003 đến nay, giá bạc có mức độ tương quan nghịch với yếu tố này khi hệ số correlation = - 0,7. Điều này được hiểu, nếu lãi suất của Fed quá cao làm hạ thấp triển vọng lạm phát, sẽ tác động tiêu cực lên giá bạc. Mức độ tương quan này của bạc nhỏ hơn so với vàng khi tỷ lệ này của vàng thể hiện qua hệ số correlation = - 0,9. Bởi lẽ, thế giới vẫn sử dụng vàng cho mục đích đầu tư nhiều hơn so với tỷ trọng dùng trong công nghiệp, ngược lại so với việc dùng bạc trong công nghiệp nhiều hơn so với đầu tư.
Xu hướng giá bạc thời gian tới
Với 2 nguyên nhân chính dẫn tới xu hướng giảm giá trong thời gian qua, có thể thấy căn nguyên đến từ làn sóng tăng lãi suất gấp gáp của Fed và các NHTW lớn khác. Điều đó đã làm mức lợi suất trái phiếu Mỹ (có điều chỉnh theo lạm phát) chuyển trạng thái từ mức âm 1% hồi tháng 3 năm nay sang xu hướng tăng dần, và đạt mức dương hơn 1,7% trong tháng 10 vừa qua, gây tác động tiêu cực đến nhu cầu đầu tư đối với không chỉ bạc mà với cả vàng, đồng và platinum. Lãi suất cao cũng làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn tới sụt giảm nhu cầu công nghiệp đối với bạc.
Trong khi đó, lộ trình tăng lãi suất của Fed vẫn chưa đến hồi kết. Trong diễn biến mới nhất cuối tháng 10, các chuyên gia kinh tế cho rằng Fed sẽ làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất khi dự kiến tốc độ tăng là 0,5%/lần, thay cho tốc độ hiện tại 0,75%/lần. Tuy tốc độ tăng có thể chậm lại, nhưng vẫn là tăng trên nền lãi suất đang ở mức cao, và tốc độ 0,5%/lần vẫn là khá nhanh. Và dù việc làm dịu lại tốc độ tăng lãi suất sẽ hỗ trợ cho giá bạc và các kim loại nói chung hạn chế được khả năng giảm giá thêm, nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn đó, kèm theo sức hấp dẫn của việc đầu tư vào kim loại bạc chưa đủ hấp dẫn khi lợi suất trái phiếu Mỹ (có điều chỉnh lạm phát) vẫn đang ở mức dương. Có thể thấy, giá bạc sẽ giao dịch trong phạm vi hẹp trên nền giá thấp như hiện tại, cho tới khi có dấu hiệu rõ ràng của việc ngừng tăng lãi suất đến từ các NHTW lớn như Fed.