Giá cả leo thang, công nhân chắt bóp từng đồng trang trải cuộc sống

(ĐTTCO)-Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cùng với đó là giá xăng tăng khiến giá cả hàng hoá gần đây đồng loạt tăng cao đã khiến cho nhiều người lao động không khỏi lo lắng. Họ phải cắt giảm chi tiêu, tăng ca, thậm chí làm thêm những công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Bữa cơm tối đạm bạc của anh Nguyễn Bảo Trung, Công nhân Công ty Nissei, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.
Bữa cơm tối đạm bạc của anh Nguyễn Bảo Trung, Công nhân Công ty Nissei, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.

Con ngõ nhỏ thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh Hà Nội dẫn vào những khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội của phần lớn công nhân lao động đang làm việc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long.

Trong căn phòng trọ chừng 8m2, chị Nguyễn Thị Linh, công nhân công ty TNHH Cannon Việt Nam và bạn cùng phòng đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Bữa tối đạm bạc với canh rau và vài miếng đậu rán. Cả hai đều mới vào làm tại công ty, mức lương chưa được 6 triệu đồng/tháng, nên mấy tháng qua phải tiết kiệm chi tiêu vì giá cả hàng hoá tăng nhanh chóng mặt từng ngày.

Chị Linh cho biết: "Với đồng lương công nhân ít ỏi thế này tiền phòng và điện nước cũng hết 600.000 đồng/người. Còn chi phí sinh hoạt khác nữa nên để tiết kiệm thì mình ăn nhiều ở bữa chính tại công ty, còn về nhà ăn tạm cơm rau hoặc mỳ tôm. Mà mấy hôm nay rau còn lên giá cao quá nên cũng phải giảm mua hoa quả ăn vặt, ra chợ toàn phải xem mua loại thịt và rau nào giá mềm hơn mới mua".

Cũng chật vật vì giá cả leo thang, anh Nguyễn Bảo Trung, Công nhân Công ty Nissei Việt Nam phải bỏ dần thói quen mua đồ tuỳ hứng và lựa chọn những mặt hàng được giảm giá để tiết kiệm. Ngoài thời gian làm việc tại công ty, anh Trung còn cùng bạn mở quán trà đá vào buổi tối tại con ngõ nhỏ gần nơi trọ để có thêm thu nhập ổn định.

"Dịp vừa rồi tôi làm nhiều khi không đủ tiêu, may mà được hỗ trợ gạo hoặc mỳ tôm. Tôi nhiều lúc cũng đi làm điện nước, rồi chung với bạn mở quán trà chanh, thế may ra mới còn dư, chứ chỉ làm công nhân thì khó khăn lắm" - anh Trung chia sẻ.

Cách chỗ ở của anh Trung vài dãy trọ, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân công nhân Khu công nghiệp Thăng Long và anh Nguyễn Mạnh Dũng, chạy xe ôm công nghệ cũng xoay sở đủ cách trước cảnh mọi thứ tăng cao. 

"Trước đồ bình xăng hết 60.000 - 70.000 đồng, giờ mua 90.000 đồng cũng chưa đầy bình. Mà chạy xe ôm thì giá tăng thêm vài nghìn, nhưng cũng không đông khách, tiền xăng lại tăng nữa. Cố làm thôi chứ tính ra thu nhập bị giảm. Nên tôi nhận thêm ship hàng..." - anh Dũng bày tỏ.

Cũng theo anh Trung: "Để tiết kiệm tôi nhờ người nhà mua cá thịt ở quê gửi về Hà Nội, mà giờ đến cước gửi hàng cũng tăng. Giá cả tăng cao như thế nên nhà tôi giảm ăn thịt cá đi để không tăng tiền chi cho ăn uống. Nhưng mà có những thứ không được cắt giảm được đó là sữa và thức ăn cho con".

Hiểu được những khó khăn của người lao động, đặc biệt là đối mặt với nỗi lo biến động của giá cả thị trường, thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách quan tâm kịp thời giúp người lao động vơi bớt nỗi lo để vượt qua khó khăn.

Trong 2 năm đại dịch Covid-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…Gần đây, Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn đã từ nguồn quỹ và vận động nguồn lực để mua nhu yếu phẩm hỗ trợ người lao động.

Đặc biệt, trong nỗi lo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang đồng loạt tăng lên thì người lao động cũng được động viên thêm khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bằng khảo sát thực tế, lập luận sắc bén đề xuất và thuyết phục Hội đồng tiền lương Quốc gia chốt tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7 năm nay.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức tăng chỉ tương ứng với 200.000 đồng, nhưng cũng phần nào chia sẻ khó khăn với người lao động. "Chúng tôi khảo sát, đánh giá, tình hình đời sống, việc làm của người lao động, khả năng chi trả của các doanh nghiệp, thậm chí lấy cả ý kiến của chính chủ doanh nghiệp về khả năng chi trả tiền lương, nguyện vọng của họ.

Trên cơ sở thực tiễn và chuẩn bị lý luận, toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội làm căn cứ để tổng hợp trình bầy các lập luận, căn cứ của mình tại Hội đồng tiền lương Quốc gia, góp phần cho chúng ta có cái nhìn khách quan, giúp cho Hội đồng đưa ra quyết định sáng suốt tăng 6%, tăng vào mùng 1.7.2022, khi Chính phủ thống nhất ra Nghị định".

Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương dự thảo Tờ trình và Nghị định của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động năm 2022. Dù chính sách còn chờ cơ quan chức năng xem xét, quyết định, nhưng đây là động lực, để người lao động thêm tin tưởng chất lượng cuộc sống người lao động tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.

Các tin khác