Lũy kế 8 tháng 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,18 triệu tấn cao su, tương đương giá trị 1,59 tỷ USD. Sản lượng giảm 1,4% và giá trị giảm mạnh 20,7% so với cùng kỳ năm trước, bởi đà giảm giá liên tục kể từ cuối tháng 1 của giá cao su thế giới.
Trung Quốc tăng trưởng yếu
Theo báo cáo của Krunsri, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 5,9 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm 2022, chiếm 40% nhu cầu của thế giới. Do đó, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc rất lớn, chiếm gần 47% thị trường nhập khẩu cao su trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau giai đoạn tự tin trong dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này, các tổ chức nghiên cứu gần đây đã lần lượt hạ dự báo GDP của Trung Quốc xuống quanh mốc 4,5%, không đạt kế hoạch đề ra của chính phủ.
Các đánh giá bi quan đó thậm chí diễn ra sau khi nước này nhiều lần tung ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Trong động thái gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách về sàn lãi suất cho vay mua nhà thứ hai bằng với lãi suất cho vay cơ bản (LPR) cộng thêm 0,20%, từ mức trước đó là LPR cộng với 0,6%. Ngoài ra, khoản trả trước tối thiểu trên toàn quốc đối với nhà sẽ là 20% đối với người mua nhà lần đầu, giảm so với mức 30% trước đó. Khoản trả trước tối thiểu trên toàn quốc đối với người mua nhà lần thứ hai sẽ là 30%, giảm so với mức 40% trước đó.
Giá cao su dự kiến có nhiều dư địa tăng trong thời gian tới, nhưng sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2023 khó đạt được con số của năm 2022.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá các giải pháp của Trung Quốc cho đến nay chỉ mang tính nhỏ giọt, và ngăn ngừa sự sụp đổ niềm tin là chính.
Để nhấn mạnh về các lựa chọn, hồi năm 2008 chính phủ nước này đã từng tung ra gói kích cầu quy mô tới 4.000 tỷ NDT (khoảng 551 tỷ USD), tương đương với 10% quy mô cả nền kinh tế nội địa vào thời điểm đó. Hoặc như giai đoạn khó khăn của bất động sản năm 2014-2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng đã bơm ra 3.000 tỷ NDT để vực dậy thị trường.
Nhưng khả năng về một gói kích cầu quy mô lớn như đã từng triển khai trong quá khứ khó xảy ra. Trung Quốc hiện nay đang muốn hướng đến chất lượng của tăng trưởng, thay vì tăng trưởng theo chiều rộng như trước kia. Thông điệp được chính phủ nhấn mạnh rằng sẽ không sử dụng bất động sản làm động lực phát triển kinh tế, nên sẽ hạn chế việc vay nợ của các chính quyền địa phương để tránh đối mặt với đầu tư quá mức trong tương lai.
Điều này nhằm nhấn mạnh tính hiệu quả của những dự án đầu tư, cũng như tránh được tình trạng dư thừa công suất công nghiệp, vốn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm phát hiện tại đang diễn ra tại nước này.
Nhiều tổ chức nghiên cứu đều đưa ra đánh giá rằng, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc không sẵn lòng thực hiện kích thích tài khóa hoặc tiền tệ lớn, nhiều khả năng do họ sợ khuếch đại rủi ro nợ nần của quốc gia.
Ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, Trung Quốc có nguy cơ sẽ bước vào “bẫy thanh khoản”, hiện tượng mà chính sách tiền tệ hầu như mất tác dụng, vì người tiêu dùng giữ lấy tiền mặt thay vì chi tiêu. Các dấu hiệu đang dần hiện rõ sau các động thái giảm lãi suất của PBOC kể từ đầu quý III đến nay.
Cao su tổng hợp và cung-cầu thiếu hụt
Cao su tổng hợp là sản phẩm công nghiệp (có nguồn gốc từ dầu mỏ), và quá trình sản xuất được đánh giá dễ dàng hơn so với cao su tự nhiên. Cao su tổng hợp cũng dễ kiểm soát chất lượng hơn, và sản phẩm cuối cùng thể hiện tính đồng nhất cao hơn nhiều so với cao su tự nhiên, vốn phải chịu những sự biến đổi của các đặc tính sinh học.
Thực tế, cao su tổng hợp có khả năng chịu nhiệt, ánh sáng, dầu và hóa chất tốt hơn. Do đó tính đến năm 2022, tỷ lệ cán cân tiêu thụ giữa 2 mặt hàng thay thế nhau này trong ngành lốp xe là 51:49, nghiêng về cao su tổng hợp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cao su tổng hợp vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn được cao su tự nhiên, bởi đó là câu chuyện xu hướng trong dài hạn.
Giai đoạn 2023-2024, giá dầu thô được dự báo xu hướng tăng do tỷ lệ tồn kho thấp so với nhu cầu tiêu thụ của thế giới. Vì vậy, cao su tổng hợp dự kiến có nhiều dư địa tăng giá trong thời gian tới, và điều này tích cực cho giá cao su tự nhiên. Ngoài ra, hãng Krungsri cũng dự báo nguồn cung cao su tự nhiên thiếu hụt khoảng 150.000 tấn trong năm 2023, và duy trì tình trạng thiếu hụt trong năm 2024.
Đối với sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2023, kỳ vọng khó đạt được con số của năm 2022 do nhu cầu của Trung Quốc yếu. Mặc dù lĩnh vực ô tô của Trung Quốc đang hồi phục tốt với xu hướng mạnh mẽ của xe điện, nhưng ngành xăm lốp ưa chuộng cao su tổng hợp hơn so với cao su tự nhiên.