Giá cát cao khiến các nhà thầu 'ngồi trên đống lửa'

(ĐTTCO)-Hiện nay, nguồn vật liệu cát khu vực ĐBSCL đang trong tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt đã gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Hầu hết các nhà thầu đều bị áp lực và ngần ngại tham gia đấu thầu khi nguồn cung của vật liệu cát chưa được cải thiện.
Nguồn cung vật liệu cát đang cạn dần, giá tăng vọt
Nguồn cung vật liệu cát đang cạn dần, giá tăng vọt

Hầu hết các công trình, dự án xây dựng cầu, đường hay lĩnh vực dân dụng tại địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang bị thiếu cát. Nghiêm trọng nhất là dự án cầu Rạch Miễu 2 tại 6/6 gói thầu xây lắp của dự án cần khoảng 1,2 triệu m3 cát, nhưng đến nay mới tập kết khoảng 64%, còn thiếu hơn 400.000 m3 cát.

Tại các dự án trọng điểm ở địa bàn tỉnh Tiền Giang như: cầu Vàm Kỳ Hôn, cầu Tân Thạnh, đường tỉnh 864, các dự án khu dân cư, trụ sở các cơ quan cũng đang trong tình trạng thiếu nguồn cát san lấp mặt bằng. Để đáp ứng tiến độ đề ra với chủ đầu tư, các nhà thầu phải mua nguồn cát với giá thực tế cao hơn giá quy định của nhà nước để đảm bảo đúng tiến độ đã ký kết với chủ đầu tư.

Cụ thể theo mức giá liên Sở của tỉnh Tiền Giang công bố vào tháng 8, tháng 9 vừa qua, tùy theo địa bàn mà giá cát san lấp ở mức dao động từ 200.000 - 230.000 đồng/mét khối; cát xây dựng từ 255.000 - 320.000 đồng/khối. Mức giá này không “chạy” kịp giá thị trường, gây áp lực lớn cho các nhà thầu.

Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ xây dựng Minh Thái (tại xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cũng như các nhà thầu đang thi công dự án đường tỉnh 864 đoạn Chợ Gạo- Gò Công Tây, cho rằng: "Tôi bây giờ cũng cố gắng, chứ hợp đồng đã ký hết rồi, phải bám đạt tiến độ, chứ biết làm sao bây giờ. Công trình của tôi là công trình trọng điểm của tỉnh thành ra khó khăn thế nào mình cũng phải cố gắng đạt tiến độ vì tình hình chung. Tới đây tôi lo các mỏ cát bị đóng nhiều sợ còn khó khăn nữa”.

Một số công trình thi công dở dang vì thiếu nguồn vật liệu cát

Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đều cạn nguồn vật liệu cát nhất là cát san lấp mặt bằng do các mỏ cát đầu nguồn ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp ngưng hoạt động hoặc chỉ cung cấp cho các dự án trong tỉnh hay liên vùng. Một số doanh nghiệp chỉ mua được nguồn cát từ tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh với số lượng nhỏ giọt hay mua cát nhập khẩu từ Campuchia với giá rất cao.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, (Tiền Giang) chia sẻ: "Tôi bán cát xây tại chỗ giá 270.000 đồng/khối, cát lấp thì 200.000 đồng/khối tại chỗ, giao đến nơi thì 220.000 - 230.000 đồng/khối. Lúc này không có cát nên nguồn thiếu, tôi mua từ mỏ Trà Vinh chứ đâu có còn cát, bán cũng chậm khi nào hết kiếm nguồn khác. Nghe nói tỉnh Tiền Giang sẽ cấp phép mấy mỏ cát, để ổn định thị trường lại chứ giá cả cao quá”.

Nhiều công trình xây dựng tại Tiền Giang đang chịu áp lực giá cát tăng cao

Việc sốt giá và khan hiếm nguồn vật liệu cát gây khó khăn lớn cho ngành xây dựng nhất là các công trình từ vốn ngân sách nhà nước, gây ảnh hưởng đến công tác đấu thầu, việc giải ngân vốn đầu tư công. Theo Ban quản lý dự án các công trình nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre hiện nay đa số các nhà thầu đều than phiền vật liệu cát, một số công trình thi công chậm, có nguy cơ không đạt tiến độ đề ra. Chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên các đơn vị thi công cố gắng khắc phục khó khăn, tìm nguồn cát chất lượng, có nguồn gốc để đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình.

Ông Trần Minh Trung, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Tiền Giang cho rằng, hầu hết các công trình, dự án mà đơn vị làm chủ đầu tư đều khó khăn về vật liệu cát, nhất là Dự án đường tỉnh 864. Các nhà thầu đang loay hoay tìm nguồn để thi công đạt tiến độ trong bối cảnh rất khó khăn. Đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh về khó khăn này để có giải pháp tháo gỡ.

Huyện Tân Phước thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang giá cát ở mức cao do thêm chí phí vận chuyển khó khăn, đơn vị chủ đầu tư các công trình dự án bám sát các nhà thầu yêu cầu phải đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.

Các doanh nghiệp sản xuất bê tông, các sản phẩm có sử dụng vật liệu cát tại tỉnh Tiền Giang cũng đang đối mặt với nguồn cát giá cao

Ông Nguyễn Trung Liêm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tân Phước cho biết: "Hiện, trên thị trường cát hiếm lắm, nhưng theo giá liên Sở, xong rồi mọi người tính chi phí vận chuyển. Khi đưa ra đấu thầu, nếu chịu giá đó thì làm, còn khó khăn nào nhà thầu phải tìm nguồn, đã hợp đồng khoán gọn, lời ăn, lỗ chịu chứ không phải làm theo đơn giá, nên khí trúng thầu nhà thầu phải chịu”.

Để khắc phục tình trạng nguồn vật liệu cát đang khan hiếm, tỉnh Bến Tre chờ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đưa vào đấu thầu 6 mỏ cát; trong đó, có 2 mỏ cát ở sông Hàm Luông, 1 mỏ cát ở sông Tiền với trữ lượng khoảng 4 triệu m3 cát; sông Ba Lai có 3 khu vực mỏ, đánh giá trữ lượng khoảng 10 triệu m3 cát.

Nếu 6 mỏ cát này hoạt động khai thác thì trữ lượng khoảng 14 triệu m3, có khả năng đáp ứng được nguồn vật liệu phục vụ xây dựng trên địa bàn tỉnh. Còn tỉnh Tiền Giang đã lập Đề án đề xuất cấp phép khai thác không đấu giá giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025 đối với 18 khu vực mỏ đã cấp giấy phép khai thác trước đây; đồng thời tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối một số khu vực mỏ trên sông Tiền.

Thiết nghĩ cùng với việc khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục cấp phép khai thác cát mỏ cát sông, các ngành, các địa phương cần nghiên cứu, có biện pháp xử lý nguồn cát mặn từ biển, các cửa sông đưa vào san lấp mặt bằng tại các công trình, dự án trọng điểm để giải quyết nhu cầu cấp bách này.

Các tin khác