Những ngày cuối tháng 12/2021, nhiều phân khúc bất động sản như chung cư, đất nền… đều có xu hướng tăng giá chóng mặt.
Chị V.H một người đi tìm mua đất tại Hà Nội với nhu cầu ở thực phải lắc đầu ngao ngán, tháng 6 vừa rồi tìm hiểu một dự án tại huyện Hoài Đức, lô liền kề được giới thiệu gần 100 triệu đồng/m2 nhưng tới tháng 11 khu vực dự án giá đã tăng lên 140 triệu đồng/m2.
“Khảo giá một dự án ở quận Hoàng Mai gần hồ điều hòa trước giá có 80 triệu đồng/m2 sau vài tháng đã lên 100 triệu đồng/m2. Giá tăng từng ngày người muốn mua ở cũng không xoay sở kịp” - chị V.H nói.
Không chỉ có đất nền dự án, chung cư cũng tăng từ 10 - 15%, dự án chung cư tại Xuân Phương trước đây có giá 26 - 27 triệu đồng/m2 vào thời điểm này đã tăng lên 29 triệu đồng/m2.
Một môi giới nhà đất cho biết, sau 2 năm dịch bệnh, các dự án đình đốn, lượng cung trên thị trường giảm do đó giá tăng theo quy luật, bên cạnh đó là việc giá vật liệu xây dựng tăng lên cũng tác động đến giá nhà, căn hộ của các dự án, các chủ đầu tư phải điều chỉnh giá.
Giá nhà liền kề, biệt thự tại những dự án khu đô thị thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh được chào bán ở những mức cao chưa từng có. Có dự án một căn biệt thự có giá 60 tỷ đồng bằng với giá đất khu vực nội thành.
Bên cạnh nhà ở tại các dự án bất động sản thì thị trường đất nền, đất thổ cư, đất đấu giá, đất dịch vụ cũng tăng giá từng ngày.
Cuộc đấu giá đất xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, khởi điểm chưa đến 20 triệu đồng/m2, sau đấu giá lô cao nhất lên tới 66,6 triệu đồng/m2, cao hơn 3 lần giá khởi điểm, đó là chưa nói đến khoản tiền chênh bán sang tay sau khi trúng đấu giá.
Đất đấu giá tăng kéo theo khu vực đất dịch vụ, thổ cư tăng. Một lô đất trong làng xã Đại Áng đường ô tô vào đã lên đến 35 triệu đồng/m2, trước đây 3 tháng giá chỉ 22 - 24 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đất ở các dự án bất động sản với giá phù hợp thì bán hết ngay vì thị trường đang khan nguồn cung. Với dự án có giá cao thì giao dịch rất thấp, như các dự án ở huyện Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội) giá lên ở ngưỡng ngang ngửa với giá nhà đất trong nội thành khó bán được hàng.
Những vùng xa hơn của Hà Nội như huyện Mê Linh, Sóc Sơn có giá nhà đất còn thấp thì lên theo mức 10 -20% (1-2 triệu đồng) thì thị trường vẫn hấp thụ được.
“Các khu vực huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Ba Vì (Hà Nội) gần như không có các dự án bất động sản triển khai, mua bán giao dịch ở đây chủ yếu là đất ở, đất dịch vụ, đất nông nghiệp xen kẹt. Tuy nhiên, trong số này rất nhiều đất không có pháp lý. Đây là khu vực giá tăng hàng ngày.
Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay. Điều này tạo ra hiện tượng “nóng, sốt đất” nhưng người mua thật ít. Nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021 nhiều người vào theo phong trào và đã chịu lỗ” - ông Nguyễn Văn Đính phân tích.
Độ rủi ro và bài học từ cơn sốt đấu hồi đầu năm 2021 là bài học các nhà đầu tư cần thận trọng, đầu tư theo nhu cầu và khả năng tài chính không chạy theo tâm lý số đông, ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 2161 phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó Chiến lược giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển đa dạng nguồn vốn dài hạn dành cho phát triển nhà ở như quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản và các công cụ tài chính dài hạn khác.
Bộ Tài chính cũng được yêu cầu nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.