Cụ thể mùa vụ 2021-2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng sản xuất đậu nành của Việt Nam khoảng 50.000 tấn và dự kiến nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ của các ngành như: sữa đậu nành, dầu đậu nành, thức ăn chăn nuôi, người tiêu dùng trực tiếp…
Do phần lớn tiêu thụ đậu nành của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu nên giá đậu nành hoàn toàn phụ thuộc vào giá thế giới.
Theo dự báo trong báo cáo mới nhất ngày 9-11-2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng sản xuất đậu nành của thế giới mùa vụ 2021-2022 dự kiến đạt 384 triệu tấn, tương ứng tăng khoảng 4,9% so với mức 366,2 triệu tấn của mùa vụ 2020-2021. Trong đó, sản lượng của Brazil và Mỹ đóng góp gần 70% tổng sản lượng của thế giới.
Về nhu cầu tiêu thụ mùa vụ 2021-2022, dự kiến ở mức 378 triệu tấn, tương ứng tăng khoảng 4,1% so với mức tiêu thụ 363,1 triệu tấn của mùa vụ 2020-2021. Như vậy sản lượng sản xuất trong mùa vụ 2021-2022 tương đối thặng dư so với nhu cầu tiêu thụ. Tồn kho cuối vụ dự kiến ở mức 104 triệu tấn, tương ứng tăng khoảng 4% so với mức tồn kho 100 triệu tấn của vụ trước. Tỷ lệ tồn kho cuối vụ trên nhu cầu tiêu thụ khoảng 27,5%.
Trong mùa vụ 2021-2022, Trung Quốc dự báo sản xuất được 19 triệu tấn đậu nành, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ của nước này khoảng 117,7 triệu tấn. Như vậy sản xuất chỉ đủ đáp ứng 15% nhu cầu, và dự kiến nhập khẩu khoảng 100 triệu tấn, tương đương 85% nhu cầu tiêu thụ. Do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc chiếm gần 60% nhu cầu nhập khẩu của thế giới, nên giá đậu nành có xu hướng ảnh hưởng bởi nhu cầu mua hàng của Trung Quốc và giá trị của đồng nhân dân tệ (CNY) so với USD.
Ngoài việc chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá USD/CNY, giá đậu nành còn chịu ảnh hưởng bởi tỷ giá USD/BRL (giá trị đồng real của Brazil so với USD), nguyên nhân do quốc gia này chiếm hơn 50% lượng xuất khẩu của thế giới. Hàng năm, sản lượng sản xuất đậu nành của Brazil chiếm gần 40% sản lượng của thế giới. Sản xuất của Brazil mùa vụ 2021-2022 dự báo tăng khoảng 4,3% và xuất khẩu dự kiến tăng tới 15% so với mùa vụ 2020-2021.
Về yếu tố cung cầu thị trường đậu nành, mùa vụ 2021-2022 được xem là thặng dư do sản lượng sản xuất khoảng 384 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 378 triệu tấn. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng khoảng 350.000 tấn và nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng 3,5 triệu tấn so với mùa vụ 2020-2021, nhưng sản lượng sản xuất của thế giới, tăng 17,8 triệu tấn và nguồn hàng xuất khẩu tăng 7,2 triệu tấn.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự báo tình hình La Nina trong 3 tháng tới chỉ ở mức trung bình, nên mức độ ảnh hưởng tới sản lượng sản xuất không nhiều.
Như vậy tình hình thặng dư của niên vụ 2021-2022 được đảm bảo, do đó xu hướng giá của đậu nành sẽ rất khó tăng trong thời gian tới. Các đợt tăng giá nếu có, cũng khó đưa giá quay trở lại mức đỉnh 1.620 cent/giạ đã thiết lập ngày 12-5-2021. Mức giá đỉnh này khi đó diễn ra trong bối cảnh thị trường lo ngại tình hình La Nina của mùa vụ 2020-2021 sẽ ảnh hưởng mạnh tới sản lượng sản xuất nông nghiệp nói chung và đậu nành nói riêng.
Về ảnh hưởng bởi tỷ giá USD/BRL và USD/CNY, yếu tố này cũng không ủng hộ cho xu hướng tăng giá của đậu nành. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố lộ trình thu hẹp gói hỗ trợ kinh tế và dự kiến tăng lãi suất USD trong năm 2022, do đó đồng USD nằm trong xu hướng tăng giá so với các loại tiền tệ khác trên thế giới. Với mối tương quan nghịch đảo ở mức cao, giá đậu nành chịu sức ép giảm giá trong thời gian tới.