2 loại dầu chính
Trên thế giới vốn có rất nhiều loại dầu, nhưng có 2 loại dầu chính được các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm nhiều nhất là WTI sản xuất ở Mỹ còn được gọi là dầu thô ngọt nhẹ (Light Sweet Crude Oil), và dầu Brent Biển Bắc ở châu Âu.
2 loại dầu này hầu như luôn có giá gần sát nhau, thậm chí WTI nhiều thời điểm trong lịch sử còn đắt hơn Brent. Tuy vậy, trong 10 năm trở lại đây, Brent luôn cao hơn mà đỉnh điểm là ngày 20-4 khi giá Brent cách giá WTI hơn 70 USD/thùng.
Nguồn gốc của dầu Brent là từ các mỏ dầu được khai thác ở Biển Bắc giữa quần đảo Shetland và Na Uy, nhưng hiện nay đã được mở rộng khai thác ở nhiều khu vực khác tại Trung Đông và cả châu Phi.
Còn dầu WTI viết tắt từ West Texas Intermediate, bắt nguồn từ các mỏ dầu tại bang Texas, nhưng khai thác được ở cả Louisiana, Bắc Dakota và nhiều nơi khác tại Mỹ tạo thành chuẩn dầu WTI. Tiêu chuẩn này sau đó bao trùm cả Bắc Mỹ bao gồm luôn Canada và Mexico.
Mặc dù nhiều người hay gọi WTI là dầu thô ngọt nhẹ, nhưng thật ra cả dầu Brent cũng được xem là “ngọt nhẹ”. Từ “ngọt” ở đây là thuật ngữ chuyên môn ám chỉ lượng lưu huỳnh trong dầu thô có tỷ lệ nhỏ hơn 1% chứ không phải từ ngọt theo ý nghĩa của vị giác (2 loại dầu này đều chứa lượng lưu huỳnh dưới 1%).
Cụ thể dầu Brent có tỷ lệ lưu huỳnh trung bình đạt 0,37%, trong khi dầu WTI chỉ chứa 0,24%. Khác biệt này dẫn tới việc chế biến ra các thành phẩm khác nhau như dầu WTI phù hợp với việc điều chế xăng và dầu Brent phù hợp với việc điều chế dầu diesel.
Tuy vậy, cả 2 chuẩn dầu Brent và dầu WTI đều đủ tiêu chuẩn để lọt vào mắt xanh của các nhà sản suất xăng dầu trong quá trình chế biến, tạo ra một phần hoặc toàn bộ các sản phẩm chưng cất thành xăng, dầu hỏa, dầu diesel, xăng máy bay, khí đốt và cả các sản phẩm khác như nhựa dùng để lát đường.
Theo Cơ quan Quản lý thông tin và Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tính trung bình việc chưng cất 1 thùng 42 gallon dầu thô sẽ cho ra 20 gallon xăng, 12 gallon nguyên liệu năng lượng thô (loại này nếu được tinh chế thêm nữa sẽ tạo ra dầu diesel và các sản phẩm khác), 4 gallon xăng máy bay và hơn chục loại phụ phẩm chưng cất khác được sử dụng trong lĩnh vực hóa học và ngành liên quan đến sản xuất các sản phẩm nhựa và có liên quan đến nhựa.
Giá dầu Brent hiện nay chênh lệch cao hơn nhiều với dầu WTI vì nhiều lý do. Giá dầu Brent được lấy làm tiêu chuẩn tính toán cho Trung Đông, châu Âu và cả châu Phi. Nghĩa là trở thành tiêu chuẩn quốc tế do được nhiều khu vực thừa nhận. Cơ chế định giá này quyết định tới gần 2/3 sản lượng thế giới.
Nguồn cung của dầu Brent ít hơn nên khả năng cạn kiệt nhiều hơn khiến giá cao hơn dầu WTI. Công nghệ khai thác dầu WTI tiến bộ hơn Brent làm cho giá rẻ hơn Brent. WTI khai thác ở Mỹ vốn có chính trị ổn định hơn nhiều với khu vực châu Âu và Trung Đông nhiều bất ổn.
Chi phí cũng là vấn đề tranh cãi, dầu Brent vốn được khai thác gần biển nên chi phí thấp do vận chuyển bằng tàu, nhưng dầu WTI dù khai thác trong đất liền (một phần ở biển) nhưng lại được vận chuyển bằng đường ống (chi phí cao ở thời điểm ban đầu) ra thẳng các tàu dầu và thậm chí tới luôn các nhà sản xuất hay kinh doanh dầu.
Tuy vậy, tùy thuộc vào những thời điểm giá có sự khác biệt như trước đây khi số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng vì bão lụt, đã làm cho dầu WTI đắt hơn Brent Biển Bắc.
Rủi ro khi giá dầu thấp
Rủi ro khi giá dầu thấp
Có một thực tế, những người thực sự mua được dầu tháng 5 ở mức âm là rất ít, và theo một số nguồn không chính thức thì chỉ có tầm 200 hợp đồng loại này được khớp với giá trị chưa tới 10 triệu USD. |
Điều này đúng là tốt nếu khủng hoảng tác động ở phía cung và cầu vẫn còn duy trì khi người tiêu dùng vẫn mạnh tay tiêu xài, mua sắm, và đúng là kích thích không biết bao nhiêu mà kể.
Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 này tác động xấu cả cung lẫn cầu. Một khi bị phong tỏa thì rõ giá dầu có bằng 0 hay âm thì cũng không góp phần kích được cái gì mà còn tệ hơn vì nó thể hiện rõ ràng là kinh tế đi xuống mạnh, nên nhu cầu sử dụng năng lượng không phát sinh.
Cho dù đại dịch hết sớm thì ngay cả việc mua dầu dự trữ cũng là một rủi ro nằm ngoại dự báo khi chi phí xây dựng, các tiêu chuẩn kho chứa, dự trữ, bảo trì, tiêu thụ chưa kể nếu giá lại tiếp tục âm thêm lần nữa.
Trong dài hạn khi đại dịch có kết thúc, hết cách ly thì việc giá dầu thấp sẽ hỗ trợ rất tốt, thậm chí có thể dùng dầu thay thế các nguồn năng lượng hoặc tạo ra sản phẩm với chi phí cao hơn. Dù dịch được kiểm soát thì việc phục hồi kinh tế cần có thời gian và điều này không thể xong trong vài ngày hay vài tuần.
Các doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh cần tối ưu chi phí và thu hút khách hàng trở lại sẽ cần nhiều khuyến mại, dịch vụ hấp dẫn… cũng như nhiều người bị giảm thu nhập thời gian qua cũng phải tiết kiệm hơn sẽ hạn chế tiêu dùng thời gian đầu.
Ngoài ra, nguồn thu ngân sách từ dầu thô, thuế và các chi phí liên quan khác là không hề nhỏ và chúng ta sẽ bị hụt thu rất lớn trong khi xã hội vừa hết cách ly, thì trong ngắn hạn sẽ khó có nguồn nào bù đắp ngay được. Do đó lợi ích của giá dầu thấp sẽ còn nhiều tập dài hơi chờ đợi ở phía trước với kỳ vọng mọi thứ sẽ dần tốt hơn.