Phải chăng là cuộc chiến thị phần?
Dựa vào nguồn dữ liệu trên trang tradingeconomics.com chúng ta có thể hình dung các nước sản xuất dầu và thị phần của mỗi nước.
Hình 1 cho thấy các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất hiện nay, một số quốc gia cập nhật từ sản lượng vào tháng 2/2020 và một số quốc gia cập nhật được dữ liệu vào cuối tháng 12/2019. Qua đó cơ bản OPEC chiếm 34,7%, Mỹ chiếm 15,9% và Nga chiếm 13,6% trong khi Trung Quốc chỉ 4,7% sản lượng toàn cầu.
Hình 1: Sản lượng các nhà sản xuất dầu chính yếu (Đvt:BBL/D/1K)
Nếu nhìn từ cuộc chiến về giá dầu gần đây nhất diễn ra vào tháng 11/2014, khi OPEC lo lắng tác động của cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ, cũng như việc tăng sản lượng tùy thích của các quốc gia ngoài OPEC, đã đưa đến Saudi áp dụng chính sách bơm dầu theo ý muốn đẩy giá dầu sụt giảm từ 100USD/thùng xuống mức 27,88USD/thùng.
Tuy nhiên, lo ngại đó không làm cho các công ty dầu đá phiến của Mỹ ngừng khai thác dầu. Sản lượng dầu của Mỹ đã tăng từ mức 8.000 BBL/D/1K lên mức hiện này 12.744 BBL/D/1K. Như vậy, phải chăng vì cuộc chiến tranh dành thị phần, khối OPEC đã chủ động bơm dầu không giới hạn nhằm hạ gục các công ty dầu đá phiến của Mỹ, bằng việc giảm giá từ 100USD xuống còn ở mức 55USD/thùng?
Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc nhập khẩu dầu, Mỹ đã giảm nhập khẩu dầu từ 10 triệu thùng/ngày trước khủng hoảng 2008-2009, xuống chỉ ở mức 7 triệu thùng/ngày như hiện nay. Như vậy, từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu dầu thô từ các nước, Mỹ đã trở thành một cường quốc xuất khẩu dầu mỏ, nhất là sau năm 2014.
Phải chăng, cùng với OPEC, Nga, Mỹ đã trở thành những cường quốc tranh giành thị phần từ việc sản xuất dầu dư thừa của mình để bất chấp việc giảm giá bán dầu?
Trong khi đó, nhìn vào cầu dầu của Trung Quốc liên tục gia tăng, sản lượng sản xuất không đáp ứng được phần nào nhu cầu trong nước. Điều này đưa đến Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu nhất và hiện tại trên mức 10 triệu thùng/ngày so với mức chỉ khoảng 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2005.
Phải chăng với tư cách là người mua lớn trên thị trường nên Trung Quốc đã có thể khiến các nhà sản xuất dầu lớn buộc phải cạnh tranh để tranh dành thị phần và trở thành nhà cung cấp dầu lớn cho Trung Quốc?
Hình 2: Trung Quốc nhập khẩu dầu từ các nhà sản xuất trong các năm qua
Vào cuối năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu dầu từ các nhà sản xuất như Saudi Arabia (16%), Angola (13%), Nga (11%), Oman (10%), Iraq (9%) và Iran (9%)... Nhưng đến cuối năm 2019 nước này nhập dầu từ Saudi Arabia (16,8%), Angola (9,5%), Nga (15,3%), Oman (6,9%), Iraq (9,9%) và Iran (3%)... Điều đáng nói, đến nay Mỹ dù là nhà xuất khẩu dầu nhưng vẫn chưa phải là nhà xuất khẩu dầu lớn vào Trung Quốc, tính theo Top 15 nhà nhập khẩu dầu của Trung Quốc.
Do vậy, nếu cạnh tranh thị phần để trở thành nhà cung cấp dầu quan trọng cho Trung Quốc, cuộc chiến này phải do Mỹ khởi động, không phải do Saudi và Nga. Nhưng liệu Mỹ đứng sau Saudi càng không thuyết phục vì Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Do vậy có thể để cân bằng lại thương mại với Mỹ trong tương lai, Trung Quốc sẽ mua nhiều dầu của Mỹ hơn. Nên nếu có tranh giành thị phần Mỹ chỉ cần thúc đẩy thỏa thuận đó. Nếu xét về thị phần sẽ khó thuyết phục cho 2 đối tác Saudi và Nga cạnh tranh nhau.
Hạ gục các công ty dầu đá phiến Mỹ
Hạ gục các công ty dầu đá phiến Mỹ
Có một số nhận định cho rằng, Nga có tiềm lực tài chính để hỗ trợ các tập đoàn dầu mỏ của mình. Nhờ giá dầu cao trong những năm qua, Nga đã trích lập quỹ để ngày nay hỗ trợ cho giá dầu thấp, trong khi OPEC nhất là Saudi không thể làm được điều này. Đặc biệt, với mức giá thấp, các công ty dầu đá phiến Mỹ càng không thể.
Bảng: Tỷ lệ nợ và dòng tiền hoạt động của các công ty dầu Mỹ trên sàn NYSE
Với cấu trúc sở hữu tư nhân và sử dụng nợ cao, các công ty dầu đá phiến của Mỹ sẽ gặp bất lợi trong cuộc chiến giá cả. Bước đầu, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều công ty dầu mỏ của Mỹ đã cắt giảm chi trả cổ tức cho cổ đông trong năm 2020. Nhiều công ty dầu của Mỹ vẫn có những tiềm lực tài chính dồi dào, đồng thời lại được sự hỗ trợ của chính phủ trong các gói hỗ trợ nền kinh tế từ dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, trước diễn biến khó lường trong cuộc họp giữa Nga và OPEC, khi OPEC đã có sự thay đổi ngày diễn ra cuộc họp, dự kiến vào thứ 5 tuần này. Chính quyền Trump đã ra thông báo cho việc có thể áp dụng chính sách thuế lên dầu nhập khẩu để bảo vệ các công ty dầu trong nước khi giá dầu tiếp tục suy giảm. Do vậy, về cơ bản các công ty dầu đá phiến của Mỹ sẽ được bảo vệ, ít nhất cũng chính từ thị trường trong nước.
Nhưng điều này càng gây bất lợi cho chính Trung Quốc trong khi cố gắng đạt đến sự cân bằng trong thương mại với Mỹ từ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Do vậy, cái khó vẫn sẽ về Trung Quốc trong việc lựa chọn các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để đạt đến sự cân bằng trong thỏa thuận thương mại.
Và sau cùng cuộc chiến giữa 2 cường quốc Nga và Saudi đại diện cho OPEC sẽ kéo dài bao lâu. Tiềm lực dự trữ ngoại tệ của Nga (570 tỷ USD - chủ yếu dưới dạng vàng giấy và vàng vật chất) lớn hơn đôi chút Saudi (gần 500 tỷ USD), nhưng Nga lại duy trì lực lượng quân đội ngoài lãnh thổ và cần ngân sách nhiều hơn để duy trì.
Với 2 lý do trên khó có sức thuyết phục cho cuộc chiến giá dầu hiện nay. Trong khi đó, 2 cường quốc này đều có những vấn đề của địa chính trị từ khu vực Trung Đông. Giá dầu cao sẽ giúp các quốc gia này có nguồn ngân sách để tài trợ cho các mục tiêu địa chính trị riêng. Do vậy, nếu mỗi quốc gia không đẩy mục tiêu địa chính trị của mình đi xa hơn trước, cuộc chiến về giá sẽ còn kéo dài.