Giá điện thiếu minh bạch

(ĐTTCO)-Những ngày qua, nhiều người dân phản ánh tình trạng hóa đơn thanh toán tiền điện của gia đình tăng cao từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng trên mỗi hộ. Điều này gây nên bức xúc trong dư luận khi nhiều người nhận định đây là mức tăng không hợp lý. 
Giá điện thiếu minh bạch
Kèm theo đó là những lời ca thán, bất bình về hóa đơn tiền điện, thiếu công khai, minh bạch trong cách tính giá điện sinh hoạt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Những bức xúc đó là chính đáng bởi lý do khách quan EVN đang độc quyền phân phối và truyền tải. EVN đang là doanh nghiệp nhà nước thay mặt Chính phủ cung cấp điện cho nhân dân. Tuy vậy, người dân đã thực sự hụt hẫng khi EVN lại đưa ra điệp khúc: hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến do… thời tiết.
Cụ thể, 2 tháng qua thời tiết nắng nóng kéo dài khiến các hộ dân sử dụng các phương tiện làm lạnh thường xuyên, nên giá điện tăng là chuyện đương nhiên.
Và khi có nhiều hộ dân phản ảnh nhận được hóa đơn tiền điện tăng sốc, trong khi việc sử dụng điện của họ không thay đổi, lãnh đạo EVN nói có thể do nhân viên ghi nhầm chỉ số điện và việc này khó tránh sai sót do... thời tiết nắng nóng?
Vậy vô tình hay cố ý mà hiện tượng ghi tăng giá điện trong hóa đơn diễn ra ở nhiều tỉnh thành và đều được khẳng định do ghi nhầm? Nhưng lạ một điều việc ghi nhầm chỉ có tăng, chưa thấy trường hợp nào ghi nhầm tiền điện giảm?
Trở lại việc đi kiểm tra của EVN, đoàn kiểm tra đã chọn ngẫu nhiên các trường hợp có khiếu nại về số tiền điện. Kết quả là có người “tâm phục khẩu phục” sau khi nhân viên điện lực đưa ra các số liệu chứng minh, so sánh với sản lượng cùng kỳ năm trước. Có khách hàng dù không còn khiếu nại nhưng vẫn bày tỏ hoài nghi về tính chính xác của lượng điện tiêu thụ tại gia đình.
Nói một cách công bằng, những động thái trong việc khắc phục, xử lý sai sót lần nhầm hóa đơn tiền điện lần này, EVN các tỉnh, thành đã xử lý mạnh tay, thấu đáo. Những nhân sự liên quan đều bị tạm đình chỉ nhiệm vụ và đang trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật.
Đó là điều kiện cần, điều kiện đủ còn lại là sự minh bạch. Theo đó cần sớm xem lại cách tính giá điện theo 6 bậc thang hiện nay. Hiện giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang gồm 6 bậc (bậc cao nhất là 401 kWh), trong đó hai bậc đầu từ 0-50 kWh và 50-100 kWh, sự khác biệt không có nhiều. Số lượng hộ gia đình tiêu thụ điện dưới 100 kWh cũng không lớn.
Trong khi đó khách hàng sử dụng điện từ bậc 6 trở lên chiếm số lượng lớn, phải chịu áp mức giá cao nên khiến hóa đơn tiền điện tăng mạnh. 
Biểu giá điện bậc thang được xây dựng vì nhiều mục đích, như đảm bảo người thu nhập thấp được sử dụng điện, khuyến khích tiết kiệm điện… Để thực hiện mục đích này, Bộ Công Thương xây dựng 6 bậc, trong đó 2 bậc đầu có giá thấp hơn giá điện bình quân, các bậc sau có giá cao hơn. Nguyên tắc của biểu giá bậc thang là làm sao tổng doanh thu bán điện chia cho tổng sản lượng điện bán ra bằng giá điện bình quân.
Nhưng với cách xây dựng biểu giá hiện nay, giá bán điện theo 6 bậc thang cao hơn giá điện bình quân. Có nghĩa biểu giá này chỉ có lợi cho nhà đèn, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Rõ ràng, việc tính giá điện lũy tiến 6 bậc thang hiện nay đã lỗi thời, là một trong những nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt, gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Chưa kể, việc EVN áp dụng biểu giá bán lẻ điện đến 6 bậc thang rất phức tạp, mức tính tiền điện lũy tiến cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý. 
Mùa hè nào cũng vậy, EVN lại đối mặt với những hoài nghi khi sản lượng điện của người dân tăng cao, cho dù có giải thích như thế nào chăng nữa. Nếu vẫn tiếp tục duy trì cách thức như hiện nay, những tranh cãi, hoài nghi ấy sẽ không bao giờ chấm dứt, trở thành câu chuyện “đến hẹn lại lên”. Vậy lẽ nào người dân phải chấp nhận sống trong hoài nghi khi cầm tờ hóa đơn tiền điện?

Các tin khác