Các kho dự trữ từ khí đốt tự nhiên đến than đá và nước của Na Uy để sản xuất điện đang cạn kiệt và có rất ít dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ cải thiện ngay khi nhu cầu tiếp tục tăng trở lại sau thời gian tạm lắng do đại dịch gây ra.
Các nhà phân tích của BloombergNEF đã viết trong một báo cáo được công bố hôm thứ Ba (28/9) rằng: “Cán cân cung cầu của châu Âu sẽ vẫn thắt chặt bất thường trước khi bước vào mùa Đông, gây thêm áp lực về giá đối với một thị trường đã ở mức cao kỷ lục”.
Nhiều công ty năng lượng nhỏ hơn của Anh đã sụp đổ, trong khi một số nhà bán lẻ điện của Pháp đang gặp khó khăn trong việc cung cấp điện cho khách hàng và cũng có nguy cơ phải tạm ngưng hoạt động. Trong khi đó, các thợ mỏ của châu Âu đã cảnh báo rằng mức giá chưa từng có của giá năng lượng có thể làm gián đoạn sự chuyển hướng của châu Âu khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Giá dầu Brent đang giao dịch trên 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2018 và giá than ở Tây Bắc Âu cũng đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giá điện ở Đức và giá khí đốt ở Anh tiếp tục lên mức cao kỷ lục mới.
Cảnh báo mới nhất về cuộc khủng hoảng điện đang lan rộng khắp châu Âu đến từ Statnett SF - nhà điều hành lưới điện Na Uy cho biết, nguồn cung cấp điện ở phía Tây Nam Na Uy đang bị “ép” vì đầu vào ít và nguồn dự trữ giảm.
Sự thiếu hụt điện ở Na Uy có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu sang các thị trường khác vì Na Uy là trung tâm vận chuyển điện của khu vực. Anh cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong khi Đức và Đan Mạch đều được kết nối với lưới điện Na Uy thông qua các dây cáp dài dưới đáy biển.
Châu Âu có kế hoạch khí hậu tham vọng nhất thế giới nhưng kế hoạch này lại đang bị thử thách bởi chi phí năng lượng tăng cao. Tây Ban Nha cảnh báo Liên minh châu Âu rằng, các biện pháp giảm lượng khí thải “có thể không chịu được trong tình trạng giá điện tăng kéo dài” theo một bức thư vào ngày 20/9.
Phần lớn giá năng lượng tăng mạnh xuất phát từ tình trạng thiếu khí đốt sau một mùa Đông lạnh hơn và kéo dài hơn vào năm ngoái khiến kho dự trữ cạn kiệt. Hàng tồn kho hiện đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ cho thời điểm này trong năm. Tốc độ gió thấp cũng khiến sản lượng phong điện thấp hơn.
Tom Lord, người đứng đầu bộ phận kinh doanh và quản lý rủi ro của Redshaw Advisors ở London cho biết, khí đốt đắt hơn cũng đang khiến than trở nên hấp dẫn hơn để sản xuất điện.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc đã diễn ra do sự thiếu hụt nguồn cung cấp than, các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính ngày càng khắt khe và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất và ngành công nghiệp đã đẩy giá than lên mức cao kỷ lục.
Hôm thứ Hai (27/9), Hội đồng Điện lực Trung Quốc cho biết, các công ty nhiệt điện than của Trung Quốc hiện đang "mở rộng các kênh mua nhiên liệu của họ bằng mọi giá" để đảm bảo nguồn cung cấp điện và nhiệt cho mùa Đông.
Châu Âu sẽ chính thức bước vào mùa Đông vào ngày 1/10 và các nhà phân tích cho biết, các dấu hiệu cho thấy, thời tiết mùa Đông năm nay sẽ lạnh giá, thúc đẩy nhu cầu cao hơn. Bên cạnh đó, một cuộc đấu giá khí đốt quan trọng ở Ukraine vào ngày 18/10 sẽ cho biết bao nhiêu nhiên liệu mà Nga sẽ cung cấp cho châu Âu. Bất kỳ tín hiệu nào từ Tập đoàn Gazprom về thời điểm các dòng khí tự nhiên dịch chuyển đến Đức cũng có thể sẽ tác động đến đà tăng giá của khí đốt và ảnh hưởng gián tiếp tới nhu cầu than.
“Hiện tại, thị trường khí đốt đang cực kỳ thắt chặt. Nó phụ thuộc rất nhiều vào mùa Đông sẽ như thế nào, nếu đó là một mùa đông lạnh giá thì chúng tôi có thể sẽ thấy giá khí đốt tiếp tục tăng vọt”, Marco Saalfrank, người đứng đầu bộ phận mua hàng tại công ty Thụy Sĩ Axpo Holding AG cho biết.