Nhiều doanh nghiệp đã hạ giá thép thêm từ 200 – 510 đồng/kg, chủ yếu ở dòng thép cuộn CB240. Hiện giá thép xây dựng nội địa dao động phổ biến từ hơn 14.300 đồng đến hơn 15.500 đồng/kg, thấp hơn khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân giá thép liên tục phải điều chỉnh giảm, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho rằng, để kích cầu tiêu thụ nên các doanh nghiệp trong ngành buộc phải giảm giá chung với đà giảm của thế giới.
Giá thép cây giao dịch trên Sở Giao dịch Thượng Hải hiện giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thép cũng đang trong xu hướng giảm, đồng thời nguồn cung thép cũng đang khá dồi dào và tình hình hàng tồn kho còn lớn.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam chia sẻ: "Nhu cầu tại các thị trường lớn của xuất khẩu thép Việt Nam như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái".
Tương tự, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng tiếp tục suy yếu dù giá liên tục giảm. Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tính chung 4 tháng đầu năm nay, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ đạt hơn 8,1 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Khi bước vào quý III, với hàng loạt các biện pháp nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn trên thị trường bất động sản, lãi suất trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện cho việc thúc đẩy đầu tư giai đoạn nửa cuối năm, bức tranh tiêu thụ sẽ bớt ảm đạm hơn", ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam, chia sẻ.
Đặc biệt, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt ít nhất 95% kế hoạch của Chính phủ trong năm nay được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho ngành thép, vì vậy, giá thép về cơ bản sẽ có cơ hội phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm.