Trong những tháng gần đây, kinh tế toàn cầu khó khăn khi lạm phát tăng cao khiến các ngành sản xuất tăng trưởng chậm lại, trong đó có các ngành công nghiệp sử dụng thép khiến nhu cầu tiêu thụ giảm dẫn tới các DN sản xuất thép bị ảnh hưởng rất lớn dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, hiệu quả thấp.
Giá thép giảm mạnh khi nhu cầu rất thấp
Chỉ tính riêng trong tháng 8 này, hàng loạt thương hiệu thép trong nước đã tiếp tục giảm giá và là lần giảm thứ 13-14 liên tiếp trong 3 tháng với mức giảm từ 200.000 - 1,2 triệu đồng/tấn. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát giảm thêm 300.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này lần lượt còn 14,88 triệu đồng/tấn và 15,74 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý, loại thép CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 310.000 đồng/tấn, xuống còn 14,75 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn. Tính chung từ đầu tháng 5 đến nay, giá thép đã điều chỉnh tổng mức giảm lên tới 3,6 - 5 triệu đồng/tấn, tùy từng DN và từng chủng loại sản phẩm, đưa giá thép về khoảng 14,5 - 16 triệu đồng/tấn.
Nhiều đại lý sắt thép tại Hà Nội cho biết, giá thép giảm mạnh nhưng lượng bán chậm khiến các cơ sở không dám “ôm” nhiều hàng. Thời điểm này thực sự khó khăn với những đại lý bởi lúc thép tăng giá đột biến không có hàng để lấy, đến khi giá đảo chiều lại không ai dám lấy hàng vì sợ lỗ. “Chỉ trong hơn 2 tháng qua, các hãng thép liên tục thông báo điều chỉnh giảm giá nên những lô hàng cũ phải nhanh chóng tìm nguồn để xả, cắt lỗ do chênh lệch giá”, chủ một đại lý sắt thép xây dựng trên phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Thị trường cuối năm dự báo còn ảm đạm
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 7 tháng qua, sản xuất thép các loại đạt gần 13 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ đạt hơn 12,2 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó xuất khẩu đạt 452.000 tấn, giảm 63% so với cùng kỳ 2021. Nhu cầu sắt thép trong nước vào quý III đang ở mức thấp do lượng tồn kho của các nhà máy thép đang khá cao, hoạt động sản xuất tương đối thận trọng trong bối cảnh giá thành phẩm suy yếu. Bên cạnh đó, do hiện tại vẫn chưa phải mùa cao điểm của ngành xây dựng trong nước, nhập khẩu thép trong nửa đầu tháng 8 vẫn duy trì ở mức khá khiêm tốn.
Cùng với đó, giá nguyên vật liệu sản xuất thép giảm liên tục từ cuối tháng 4/2022 đến nay khiến thị trường chững lại. Nhu cầu tiêu thụ thép giảm sút do mùa vụ và giải ngân đầu tư công chậm trong khi các nhà phân phối, đại lý thép tìm cách giảm tồn kho, chỉ mua loại và lượng hàng cần thiết đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều nhà máy sản xuất thép đang phải tìm thêm thị trường xuất khẩu mới và đẩy mạnh xuất khẩu như Campuchia, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Mỹ…
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa đánh giá, từ đầu năm đến nay, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm khiến nhu cầu thép trong nước giảm, gây ảnh hưởng khá lớn đến tiêu thụ. Đáng chú ý, tình hình thế giới có nhiều thách thức cùng các yếu tố bất ngờ cũng khiến ngành thép đứng trước không ít khó khăn. Đó là chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, nhất là ở châu Âu và Mỹ; sự bất ổn, khó lường của thị trường thép Trung Quốc; cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm liên tục giảm…
"Hiện nay, đa phần các nhà máy đều trong tình trạng khó khăn do hàng tồn kho giá cao. Mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau. Các nhà máy áp dụng 1 tuần một giá mới và bảo lãnh giá bán trong tuần khiến thị trường bất ổn khiến các nhà máy càng khó khăn hơn trong tiêu thụ hàng hóa. Từ đó cho thấy mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy sản xuất ngày càng khốc liệt về giá bán và giữ thị phần", đại diện VSA cho biết.
Nhận định về diễn biến thị trường thép những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, với nhu cầu nội địa yếu, giá thép giảm có thể khiến nhà đầu tư dễ tiếp cận với các công trình đầu tư công đã được phê duyệt hơn, nhưng điều này cũng phụ thuộc vào tiến độ giải ngân các dự án. Những biến động khó lường của thị trường nguyên vật liệu và việc giải ngân đầu tư công vẫn chậm khiến cho thị trường dịp cuối năm có thể ảm đạm.
Trong tình cảnh giá thép giảm thấp, tiêu thụ thép tại thị trường nội địa gặp khó khăn, các DN thép gần đây vẫn tiếp tục đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại khiến kim ngạch xuất khẩu thép sụt giảm, trong tương lai nhiều khả năng sản phẩm thép sẽ giảm tính cạnh tranh về giá bới các mức thuế mới từ các thị trường nhập khẩu.
Nhiều DN sản xuất và xuất khẩu thép nêu ý kiến, việc các thị trường thực hiện khởi kiện, áp thuế với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các DN. Nhiều nhà máy thép bị hạn chế xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ và cả khu vực Đông Nam Á. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, mỗi DN cần có phương án, chiến lược riêng nhằm ứng phó hiệu quả.