Theo khảo sát tại các đại lý sắt thép ở Hà Nội ngày 24/3, giá thép xây dựng đã liên tục tăng cao những ngày qua và hiện đã tăng lên gần 18 triệu đồng/tấn. Mức giá này đang tương đương với mức cao nhất thời điểm quý II năm 2022.
Ông Hoàng Đạt, chủ đại lý sắt thép tại Đông Anh, Hà Nội cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép đã tăng giá 7 lần, với tổng mức tăng khoảng 1,2 triệu đồng/tấn. Hiện giá thép nhập vào từ các đơn vị sản xuất ở mức trên 17,2 triệu đồng/tấn.
“Giá thép tăng nhanh được các nhà máy lý giải là do giá phôi thép và nguyên vật liệu sản xuất thép đều tăng, nên giá thành sản phẩm tăng theo. Nhiều khả năng thép sẽ tiếp tục tăng mạnh như cùng kỳ năm 2022 đến 20 triệu đồng/tấn. Thấy giá thép tăng nhanh nên đại lý nào cũng phải sốt sắng nhập hàng, mặc dù sức tiêu thụ giảm mạnh so với năm ngoái", ông Đạt cho hay.
Là nhà thầu chuyên xây dựng các công trình dân dụng, ông Trần Minh Phong ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội cho biết, làm công trình xây dựng năm nay khá khó khăn do nhu cầu xây dựng thấp, cùng với đó giá sắt thép, vật liệu xây dựng đang có xu hướng tăng. Nếu nhà thầu không dự báo tốt có thể bị lỗ bởi phần chênh lệch giá này
“Diễn biến giá thép đã được dự báo từ trước nên đơn vị khi báo giá cho khách hàng đều phải tính dự phòng khoản tăng giá vật liệu xây dựng, bởi không chỉ sắt thép, xi măng, cát sỏi… cũng tăng theo. Vật liệu xây dựng tưng khiến chi phí xây dựng bị đội lên nhiều, nhiều chủ đầu tư cũng trì hoãn khởi công, thi công để đợi giá vật liệu giảm hơn”, ông Phong cho hay.
Nhu cầu tiêu thụ thép là vậy, song giá thép tiếp tục được các thương hiệu điều chỉnh tăng. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hiện mức giá thép cuộn khu vực miền Bắc vào khoảng 17,7 triệu đồng/tấn, tại miền Trung đã tăng lên mức 17,8 triệu đồng/tấn, tùy tiêu chuẩn; còn tại khu vực miền Nam, giá bán thép cũng tăng lên 17,6 triệu đồng/tấn tùy loại.
Lần tăng giá mới đây là ngày 20/3 vừa qua với mức tăng khoảng 150.000 đồng/tấn khiến giá sắt thép bán ra tại các đại lý tại Hà Nội đã vượt ngưỡng 17,5 triệu đồng/tấn và tiến sát 18 triệu đồng/tấn. Mức giá này tăng khoảng 10% so với cuối năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn đỉnh điểm hơn 20 triệu đồng/tấn hồi năm ngoái.
Chia sẻ từ đại diện 1 DN ngành thép cho thấy, thị trường thép đang rất khó khăn trong thời điểm này, lượng tiêu thụ từ các công trình xây dựng, bất động sản rất thấp. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào như than, thép phế, cuộn cán nóng vẫn ở mức cao và khan hiếm nên các DN buộc phải tăng giá lên để giảm lỗ.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho biết, giá bán thép thành phẩm vẫn đang tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào, nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép vẫn thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra.
Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 7/3/2023 giao dịch ở mức khoảng 331 USD/tấn FOB, tăng 6 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận vào cuối quý I/2022 và đang có xu hướng tăng trở lại kể từ tháng 11/2022.
Đối với thép phế liệu, trong những ngày đầu tháng 3/2023 có xu hướng điều chỉnh tăng. Giá thép phế liệu liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 7/3/2023 giữ ở mức 448 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 7/3/2023 ở mức 643 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, tăng 24 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2023.
“Lượng thép thành phẩm tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Dù sản lượng thép thành phẩm đã giảm 16%, nhưng mức chênh lệch giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn lên tới hơn 400.000 tấn nên nhiều khả năng giá thép tiếp tục có xu hướng tăng trong những tháng tới”, đại diện VSA nhận định.
Thiếu đơn hàng nên nhu cầu thép cho các DN sản xuất cũng không cao.
Nhìn nhận về thị trường thép năm nay, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, giá thép có thể sẽ không đạt mức đỉnh như năm 2022, nhưng xu hướng tiếp tục tăng là có. Sản xuất và tiêu thụ ngành thép phụ thuộc lớn vào việc triển khai xây dựng các dự án bất động sản, cầu đường… Nhưng thời gian qua các dự án đều đang khá ảm đạm, nên ngành thép năm nay dự báo sẽ không có tăng trưởng.
“Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa lại nền kinh tế, nhưng vẫn chưa thực sự tạo ra sự phục hồi cho ngành thép trong nước, khi mảng xuất khẩu phôi thép, thép xây dựng sang thị trường này của nhiều doanh nghiệp bằng 0. Dù vậy vẫn kỳ vọng thị trường bất động sản, xây dựng thời gian tới ấm lên nhờ sự hỗ trợ từ việc giải ngân đầu tư công của Chính phủ”, ông Sưa nhận định.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, lượng tiêu thụ các sản phẩm thép tại thị trường trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ. Điều này phản ánh hai trạng thái khác nhau của thị trường xây dựng đầu năm 2022 và 2023. Nếu như quý I/2022, thép xây dựng tiêu thụ cao kỷ lục nhờ nhu cầu thị trường tăng trưởng mạnh. Nhưng sang đầu năm 2023, thị trường trầm lắng do lượng cầu yếu, dẫn đến mức tiêu thụ thép không khả quan.