Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 vừa qua, thực sự đọng lại nhiều dư âm. Bởi lẽ, Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay không chỉ chứng kiến sự nỗ lực của giới doanh nhân quay lại nhịp điệu sản xuất và kinh doanh sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, còn có nghị quyết của Bộ Chính trị được ban hành về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tinh thần nghị quyết khẳng định, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế... Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ.
Đồng thời mục tiêu cụ thể đề ra là phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc.
Trong các phẩm chất cần có của doanh nhân, tiêu chí nhiều người bàn luận nhất là văn hóa doanh nhân. Phải định lượng hay định tính văn hóa doanh nhân như thế nào? Thực sự có văn hóa riêng cho doanh nhân? Tất nhiên, văn hóa doanh nhân cũng nằm trong văn hóa cộng đồng và tuân thủ những tiêu chuẩn của văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, văn hóa doanh nhân chắc chắn phải đặc biệt hơn mới đúng tầm doanh nhân.
Vì vậy, đã xác định văn hóa doanh nhân, cần phải ngược dòng lịch sử doanh nhân. Trước đây, không có khái niệm “doanh nhân” trong tiếng Hán - Việt lẫn tiếng quốc ngữ, chỉ có khái niệm “thương nhân”, thể hiện trong cấu trúc xã hội “sĩ, nông, công, thương”. Khi biến tấu “thương nhân” thành “doanh nhân”, đã có gửi gắm thông điệp khác.
Chữ “doanh” theo Hán tự, nghĩa là “thắng lợi”, bao gồm sự kết hợp của chữ “vong”, chữ “khẩu”, chữ “nhục”, chữ “bối” và chữ “phàm”. Để có “doanh” phải thiệt thòi nhiều thứ, từ cái miệng, cái thân đến những vật quý báu và những thú vui tầm thường. Cho nên, nếu không nỗ lực và không chịu hy sinh, chắc chắn không thể trở thành doanh nhân.
Thật sai lầm, khi cho rằng doanh nhân chỉ vì tiền, chỉ có tiền không cần văn hóa. Nếu cậy vào tiền, bất chấp tất cả để có tiền, vậy tại sao mọi hoạt động của doanh nhân đều hướng ra cộng đồng. Không doanh nhân nào có thể tự tung tự tác làm theo sở thích và phục vụ sở thích của riêng mình. May chiếc áo cho bản thân mặc, không thể trở thành doanh nhân trong lĩnh vực thời trang.
Sản xuất chiếc xe cho bản thân sử dụng, không thể trở thành doanh nhân trong lĩnh vực ô tô hoặc xe máy. Mở ngân hàng cho bản thân rút tiền, không thể trở thành doanh nhân trong lĩnh vực tài chính. Nói cách khác, doanh nhân được hình thành từ tiêu chí cơ bản là phụng sự nhu cầu người khác. Càng phụng sự nhu cầu nhiều người càng cơi nới thêm tầm vóc doanh nhân. Rất đơn giản là tệp khách hàng càng dày đẳng cấp doanh nhân càng cao.
Với những đòi hỏi nghề nghiệp, phẩm chất văn hóa đầu tiên của doanh nhân là thoát khỏi sự ích kỷ và sự hẹp hòi, để sáng tạo và cạnh tranh. Giữa bối cảnh hội nhập toàn cầu, doanh nhân Việt còn cần trang bị bản lĩnh văn hóa để thoát khỏi tư duy chật chội “đất lề quê thói”, những biểu hiện tiêu cực “trường vốn, trốn thuế”.
Xây dựng được văn hóa doanh nhân cũng sẽ có đội ngũ doanh nhân khước từ các mối quan hệ khuất tất chui cửa trước luồn cửa sau, chụp giật buôn hàng gian bán hàng giả. Khi và chỉ khi có văn hóa doanh nhân thực sự, mới chấm dứt các chiêu trò chạy chính sách, chạy quy hoạch, chạy dự án...
Thời đại công nghệ thông tin, mô thức “mua của người chán bán cho người thèm” cũng đã thay đổi. Không có tri thức, không thể đi xa trên con đường doanh nhân. Văn hóa doanh nhân bao hàm cả ý chí học tập suốt đời và cầu tiến không ngừng. Tự mãn và kiêu căng là biểu hiện kết thúc sự nghiệp một doanh nhân.
Những người xung quanh, khi nhìn vào túi tiền đầy ắp của doanh nhân cảm giác đố kỵ sẽ nhiều hơn cảm giác ngưỡng mộ, nhưng khi nhìn vào khát vọng vươn lên của doanh nhân, cảm giác ngưỡng mộ sẽ nhiều hơn cảm giác đố kỵ. Văn hóa doanh nhân kiến tạo thần tượng để dẫn dắt đám đông, không cho phép tồn tại các hành vi lừa đảo, bịp bợm và xảo trá.
Văn hóa vốn có chiều kích rộng lớn. Văn hóa doanh nhân định hình theo không gian nào? Mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Thế nhưng, ít nhất văn hóa doanh nhân phải được thiết lập giữa 2 mệnh đề cơ bản. Mệnh đề khởi phát là “phi thương bất phú”, không kinh doanh không thể giàu có.
Và mệnh đề giới hạn là “vi phú bất nhân”, không thể vì mê đắm giàu có mà đánh mất nhân tính. Từ “phi thương bất phú” đến “vi phú bất nhân” là sự rèn luyện, sự tu dưỡng và sự tự trọng của doanh nhân. Chính sự đắn đo “phi thương bất phú” và “vi phú bất nhân” sẽ bồi đắp văn hóa doanh nhân đích thực hữu ích cho sự phát triển chung.
Biểu hiện của doanh nhân là sự giàu có, nhưng thước đo của doanh nhân không chỉ là sự giàu có. Hãy nhớ rằng, doanh nhân không thể loay hoay ở tư cách trọc phú. Giàu có mà phải sang trọng mới đúng doanh nhân. Nếu hào hứng khoe khoang kiểu rởm đời thì chưa có văn hóa doanh nhân.
Mùi nước hoa đắt tiền, chiếc túi da hàng hiệu hoặc cái đồng hồ triệu đô chỉ có thể lòe mắt những kẻ hiếu kỳ, chứ không nói lên được giá trị doanh nhân. Chỉ có phong cách sống biết dùng đồng tiền hướng đến giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn, giá trị bền vững mới chứng tỏ một doanh nhân có văn hóa.
May mắn tranh thủ cơ hội nào đó kiếm được nhiều tiền, là người giàu xổi, không phải doanh nhân. Phá rừng để kiếm tiền, không phải doanh nhân. Hủy diệt môi trường để kiếm tiền, không phải doanh nhân. Yếu tố văn hóa doanh nhân được nhấn mạnh, vì lẽ ấy. Thậm chí, văn hóa doanh nhân còn kích hoạt xu hướng sống tích cực.
Đặc biệt, không thể không nhấn mạnh, văn hóa doanh nhân góp phần định hình giới quý tộc về chuẩn mực cái hay, cái đẹp. Không ít người trong chúng ta vẫn cứ e ngại khi nhắc đến giai cấp quý tộc. Thế nhưng, chúng ta cần biết rằng, không có giai cấp quý tộc sẽ không có văn minh đô thị.