Giá trị DNNN bị thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng

(ĐTTCO) - Mới chỉ kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn xác định theo phương pháp tài sản, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.400 tỷ đồng. 

Còn nếu tính theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, giá trị DN (GTDN) tăng so với phương pháp tài sản hơn 15.600 tỷ đồng. 

Không phát hiện hay né?

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kết quả xác định GTDN theo phương pháp dòng tiền chiết khấu, hoặc phương pháp khác phải được so sánh với kết quả xác định GTDN theo phương pháp tài sản cùng thời điểm để lựa chọn theo nguyên tắc: GTDN được xác định và công bố không được thấp hơn GTDN xác định theo phương pháp tài sản.
Do đó, các tổ chức tư vấn định giá khi xác định GTDN chỉ định giá theo phương pháp tài sản, không đưa ra kết quả định giá của phương pháp khác để so sánh, nên cơ sở để khẳng định tính chính xác và tính hợp lý của kết quả xác định GTDN do tổ chức tư vấn định giá xác định cho DN chưa đầy đủ.

 Trong quá trình kiểm toán định giá DNNN, KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc xác định GTDN và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN CPH, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất… 
Ông Hồ Đức Phớc,
Tổng Kiểm toán nhà nước
Bên cạnh đó còn nhiều sai sót trong định giá và xử lý tài chính. Cụ thể ở khâu kiểm kê, xử lý các vấn đề tài chính, một số đơn vị không xử lý các khoản tài chính đủ điều kiện ghi tăng vốn nhà nước như: doanh thu, thu nhập khác, nợ phải thu, nợ phải trả nhưng không phải trả...
Hầu hết các DN có xu hướng muốn để lại và hạch toán vào thu nhập sau thời điểm xác định GTDN, nhưng cơ quan thanh kiểm tra và tổ chức tư vấn định giá không phát hiện ra (như doanh thu hồi tố tiền bán điện và cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ PV Power, các khoản thu nhập khác như lãi phạt chậm thanh toán và các khoản chi hộ của PV Power…).
Ngoài ra, còn tình trạng kê khai thiếu giá trị lợi thế kinh doanh. Lợi thế kinh doanh của DN cổ phần hóa (CPH) (gồm giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển) dù được hướng dẫn cụ thể, nhưng trong quá trình thực hiện một số đơn vị xác định thiếu giá trị thương hiệu.
Nguyên nhân do tập hợp chưa đầy đủ các chi phí phải tính vào giá trị thương hiệu (chi phí cho việc tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu, tên thương mại...), và xác định giá trị tiềm năng phát triển chưa chính xác, do tính toán chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu không phù hợp với thực tế của DN.

Việc định giá quyền sử dụng đất và nhượng bán đất, tài sản trên đất sau thời điểm xác định GTDN còn nhiều bất cập. Thí dụ, đất được Nhà nước giao chưa thu tiền, đơn vị xin chuyển sang thuê trả tiền hàng năm, phương án sử dụng đất trình UBND địa phương đến thời điểm xác định GTDN, các đơn vị vẫn thực hiện xác định là đất thuê trả tiền hàng năm và sẽ không được xác định giá thị trường.
Bên cạnh đó, đất giao chưa thu tiền, đơn vị có phương án sử dụng đất nhưng không có phương án giá đất trình UBND địa phương, quyền sử dụng đất sẽ được tổ chức tư vấn xác định theo biểu giá đất của UBND địa phương ban hành, giá trị thường chênh lệch với giá thị trường.
Và cuối cùng là DN chuyển nhượng đất thông qua hình thức ban đầu góp quyền sử dụng đất để liên doanh với công ty bên ngoài nhằm khai thác quỹ đất, liên doanh chưa thực hiện khai thác sử dụng đất thì đã chấm dứt hoạt động và đơn vị ưu tiên nhượng quyền sử dụng đất cho công ty liên doanh, giá chuyển nhượng do hai bên thỏa thuận, không tổ chức chào giá thị trường, không đấu thầu đấu giá. Như vậy không phản ánh đúng giá thị trường, không huy động được các nguồn lực khác tham gia cạnh tranh.



Xác định GTDN bằng 2 phương pháp

Theo ông Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tài chính, theo quy định hiện hành các DNNN thực hiện CPH có thể áp dụng các phương pháp xác định GTDN: Phương pháp tài sản; phương pháp dòng tiền chiết khấu và phương pháp khác, nhưng GTDN được công bố không thấp hơn phương pháp tài sản.
Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định GTDN để tiến hành CPH hiện nay mới dừng lại ở 2 phương pháp cơ bản là: phương pháp tài sản và phương pháp dòng tiền chiết khấu. Trong đó, cách thực hiện phương pháp dòng tiền chiết khấu hiện cũng chưa phản ánh đúng giá trị thực của DN. Để khắc phục hạn chế này, theo ông Hiếu, cần bắt buộc phải xác định GTDN theo ít nhất 2 phương pháp nhằm kiểm tra tính hợp lý của kết quả trước khi công bố GTDN. 

TS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cũng cho rằng, để bịt các lỗ hổng về định giá DNNN khi CPH cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận với nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định GTDN. Cần thiết quy định khi xác định GTDN phải áp dụng ít nhất 2 phương pháp (một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu). Trong số ít nhất 2 phương pháp áp dụng bắt buộc phải áp dụng phương pháp tài sản, coi kết quả xác định giá từ phương pháp này như là giá DN tối thiểu (giá sàn).

Về vấn đề đất, theo ThS. Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng, KTNN khu vực I, để tránh thất thoát tài sản nhà nước một trong những vấn đề đặt ra là phải tính đầy đủ giá trị lợi thế của đất đai khi CPH DNNN. Về việc tính đầy đủ giá trị lợi thế (vị trí địa lý) vào giá trị để CPH, nếu DN lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, khi Nhà nước định giá đất phải đảm bảo nguyên tắc theo giá đất phổ biến trên thị trường.
Đồng thời, để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm, cần quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được phê duyệt khi CPH.
Trường hợp sau khi CPH được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Nhà nước sẽ quyết định thu hồi và thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các tin khác