Lứa tuổi THPT rất nhạy cảm và nhiều bồng bột. Khi đối mặt với điều không như ý, các em rất dễ bị tổn thương và không hề đắn đo khi quyết định thực hiện những phản ứng mạnh mẽ, cấp tốc nhất. Giáo dục và uốn nắn lứa tuổi ấy chưa bao giờ đơn giản, luôn đòi hỏi trái tim ấm áp của mỗi nhà giáo. Trường hợp nữ sinh lớp 10 NTNY là câu chuyện ngoài dự liệu, đáng tiếc nhưng cũng đáng báo động.
Vì sao nữ sinh NTNY lại chọn cách xử lý tình huống kiểu tiêu cực như vậy? Ngày 16-11, Ban giám hiệu Trường THPT Vĩnh Xương đã mời cha mẹ của nữ sinh NTNY đến trường để trao đổi về một số vi phạm của em trong lớp học. Tại buổi làm việc, gia đình thừa nhận NTNY có vi phạm, bản thân nữ sinh cũng đã xin lỗi giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn. Lãnh đạo nhà trường yêu cầu NTNY viết bản tự kiểm điểm, cam kết sửa chữa, khắc phục thiếu sót và nghiêm túc chấp hành nội quy. Tuy nhiên, sau đó nữ sinh NTNY đã không nhận lỗi và khẳng định mình không sai. Ngày 18-11, Ban giám hiệu nhà trường tiếp tục có thông báo gửi về gia đình, liệt kê các lỗi NTNY đã vi phạm, nhấn mạnh nữ sinh này phải thực thi kiểm điểm cá nhân.
Trong thời gian trên, nữ sinh NTNY nghỉ học đi khám bệnh, được bạn bè nhắn tin cho biết mình bị nêu tên dưới cờ vì phản ánh sự việc ở trường với gia đình không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình. Ngày 30-11, nữ sinh NTNY trở lại lớp, nhưng nghĩ đến việc phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường là nhục nhã, đã vào nhà vệ sinh và uống hết cả vỉ thuốc hen suyễn, xem như một cách giải thoát.
Trường học giống như gia đình thứ hai của mỗi học sinh. Để học sinh rơi vào hoàn cảnh bẽ bàng, không giáo viên nào ở Trường THPT Vĩnh Xương có thể thanh thản nói mình hoàn toàn không liên quan. Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT, cho biết theo biên bản của địa phương, một số hoạt động của Trường THPT Vĩnh Xương cùng giáo viên chủ nhiệm lớp 10 có nội dung sai phương pháp sư phạm, không phù hợp với quy định của ngành. Để tháo gỡ mâu thuẫn đang căng thẳng, Sở GD-ĐT An Giang đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng, và bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Phó Hiệu trưởng.
Vụ việc nữ sinh lớp 10 tự tử là điều không ai mong muốn. Nhưng xung quanh sự nhức nhối có rất nhiều vấn đề phải suy tư thật nghiêm túc. Bởi lẽ, khi đọc bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh NTNY, ai cũng có thể cảm nhận được sự hoảng loạn tâm lý. Cách hành xử của giáo viên rõ ràng chưa thuyết phục, và giọt nước tràn ly chính là cách Trường THPT Vĩnh Xương quyết định kỷ luật nữ sinh NTNY bằng cách nêu tên trước toàn học sinh trong lễ chào cờ. Những người công tác lâu năm trong ngành giáo dục đều có chung day dứt về phương pháp kỷ luật để răn đe học trò không làm trẻ tâm phục khẩu phục mà dẫn đến kết cục ê chề. Đáng trách giận hơn, sau sự việc phát hiện nữ sinh NTNY tự tử bất thành, giáo viên chủ nhiệm lại viết trên Facebook những lời lẽ thiếu cân nhắc, là cách hành xử tệ hại, trái ngược với mẫu mực cần thiết của một cô giáo, vi phạm văn hóa ứng xử sư phạm.
Trường học không phải là tòa án để kết tội học sinh đúng hay sai, mà chỉ dừng lại ở việc giải thích để học sinh hiểu, uốn nắn các em. Giáo dục xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng. Nữ sinh NTNY sau lần tự tử bất thành, chắc chắn sẽ còn dư chấn nặng nề. Và ngay cả giáo viên chủ nhiệm lớp 10 lẫn bạn học của nữ sinh Y cũng không tránh khỏi cú sốc khó nguôi ngoai. Giáo dục là một nghệ thuật dùng tình thương để nâng đỡ số phận. Trong trường học, không cần phân định hơn thua giữa giáo viên và học sinh, mà cần sự thấu hiểu và tương trợ lẫn nhau. Đạo làm thầy trong xã hội hiện đại phải lấy sự nhân ái làm nền tảng, khi trường đúng nghĩa trường, thầy đúng nghĩa thầy, trò sẽ đúng nghĩa trò. Vì vậy giá trị sư phạm cần được phát huy theo tinh thần nhân ái hơn.