Phân ngành này được chính thức hóa ở Việt Nam với tên gọi VSIC (Việt Nam SIC). Hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) theo ISIC và VSIC là ngành cấp 1, tương đương những nhóm ngành lớn như nông, lâm nghiệp và thủy sản hoặc công nghiệp chế biến chế tạo. Điều này cho thấy phần nào tầm quan trọng của hoạt động kinh doanh BĐS đối với quốc tế và Việt Nam.
Thế nhưng, xét về cơ cấu giá trị tăng thêm ngành BĐS trong GDP, cho thấy tỷ trọng ngành BĐS có khuynh hướng ngày càng thấp. Năm 2005 tỷ trọng BĐS chiếm trong GDP 6,7%, đến năm 2020 tỷ lệ này còn 4,5%. Số liệu thống kê cho thấy tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành BĐS trong GDP có xu hướng thấp hơn tốc độ tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong khi ngành này có tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm cao hơn mức tăng trưởng GDP khá nhiều.
Trớ trêu là nền công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam thực chất là gia công lắp ráp, phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài (FDI) rất lớn, hàm lượng giá trị tăng thêm (VA) rất thấp. Đặc biệt, hàm lượng VA phía Việt Nam nhận được còn thấp hơn nhiều nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Trong khi đó kinh doanh BĐS là một trong những nhóm ngành có tỷ lệ phát thải khí nhà kính thấp nhất. Vậy nhưng, kinh doanh BĐS là loại hình lợi nhuận khủng, giá cả thường tăng cấp số nhân và không một lực cản nào cản nổi.
Khi xem xét ảnh hưởng của một ngành hoặc một nhóm ngành tới nền kinh tế quốc gia, không chỉ là xem tỷ trọng ngành hoặc nhóm ngành đó trong GDP là bao nhiêu, mà quan trọng hơn là xem xét mối quan hệ liên ngành của nhóm ngành đó với các ngành khác trong nền kinh tế, thông qua chỉ số lan tỏa hay liên kết ngược (Backward linkage - Power of Dispersion) và độ nhậy (Forward Linkage - Sensitivity for Dispersion) của nhóm ngành đó với nền kinh tế.
Về nguyên tắc chọn ngành trọng điểm đối với nền kinh tế phải là những ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao và lan tỏa đến nhập khẩu thấp - được xem như những ngành trọng điểm của nền kinh tế - cần được ưu tiên về chính sách để thúc đẩy những ngành khác mà không gây nên thâm hụt cán cân thương mại. Song nghiên cứu cho thấy hoạt động kinh doanh BĐS tuy có chỉ số lan tỏa đến giá trị sản xuất thấp, nhưng lại lan tỏa cao đến giá trị tăng thêm và lan tỏa thấp đến nhập khẩu.
Nhìn sâu hơn, cho thấy khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành BĐS mở rộng (BĐS trong công nghiệp, trong du lịch...) tăng lên 1 tỷ đồng, sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại 675 triệu đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm 170 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh BĐS theo ISIC tăng lên 1 tỷ đồng nhu cầu cuối cùng, sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất của các ngành khác 346 triệu đồng và 102 triệu đồng đến giá trị tăng thêm. Đây là mức lan tỏa cao và ấn tượng.
Thực ra đóng góp của hoạt động BĐS và BĐS mở rộng vào GDP không phải nhỏ, nhưng không quan trọng bằng ảnh hưởng lan tỏa của nhóm ngành này đến nền kinh tế. Nghiên cứu của Hirschman (1969) đã đưa ra ý niệm một ngành hoặc một nhóm ngành có tầm quan trọng hơn các nhóm ngành khác thông qua chỉ số lan tỏa và độ nhậy.Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, chúng ta dường như bối rối không biết thúc đẩy ngành nào và bao nhiêu để GDP đạt mục tiêu tăng trưởng. Chẳng hạn, giá trị sản xuất nhóm ngành BĐS mở rộng và BĐS theo ISIC tăng 10% đã khiến GDP tăng 1,4%.