Trong vòng 1 năm qua, giá vàng thế giới có 2 lần chạm ngưỡng 1.900USD/ounce và nhiều lần vượt qua ngưỡng 1.800 USD/ounce. Tính trên mốc 360 ngày, có thể nói rằng mức giá từ 1.700 – 1.900 USD/ounce sẽ vẫn nằm trong xu thế của giá vàng từ đây đến cuối năm 2021, tùy theo biến động của kinh tế thế giới.
Trở lại những ngày gần đây, giá vàng diễn biến theo hướng vượt mức 1.800 USD/ounce, sau đó lại giảm, rồi lại vượt mốc này nhưng không tăng nhiều. Nguyên nhân vì bóng ma lạm phát đang đe dọa nhiều nền kinh tế lớn, nhất là các nước châu Âu và Mỹ. Đồng thời, một số nước ở châu Á cũng có dấu hiệu lạm phát.
Lạm phát chính là mồi lửa rất nhạy cho giá vàng tăng. Vậy tại sao giá vàng không thể bứt phá đến trần 1.900 USD/ounce? Tháng 8-2020, thời điểm có nhiều vấn đề sôi động xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giá vàng vượt lên mức 2.063 USD/ounce do nền chính trị Mỹ bất định. Nhưng hiện nay, cục diện đã ổn định.
Thêm vào đó, ngày 28-10 vừa qua, kế hoạch chi tiêu xã hội sửa đổi trị giá 1.750 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần như được thông qua để chi tiêu cho phúc lợi xã hội, xây dựng hạ tầng, miễn học phí cho học sinh tiểu học. Như vậy, tính bất định của nền kinh tế Mỹ đã không còn.
Vì vậy, từ đây đến cuối năm, giá vàng vẫn nằm trong khoảng 1.700 – 1.900 USD/ounce, không thể vượt qua được khoảng đó nếu không có những thay đổi lớn, chẳng hạn như chiến tranh.
PHÓNG VIÊN: - Nhưng hiện giá năng lượng đang căng thẳng liệu có làm tăng giá kim loại quý?
Ông TRẦN THANH HẢI: - Giữa giá dầu và giá vàng có lúc đồng biến, có lúc nghịch biến, nhưng cộng cả giá dầu mỏ và thị trường chứng khoán đang bùng nổ ở Mỹ, châu Âu và ngay cả ở Việt Nam, vàng sẽ bị khống chế ở mức 1.700 – 1.900 USD/ounce.
Dòng tiền đổ vào thị trường vàng thế giới đang bị chia lửa bởi sắc xanh của thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam, bị chia lửa bởi thị trường dầu và đồng tiền ảo. Đó cũng là nguyên nhân làm cho giá vàng khó có khả năng bứt phá.
Giữa tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, cũng đã tuyên bố vẫn tiếp tục giữ các gói nới lỏng định lượng cho đến tháng 3-2022, tức vẫn áp dụng lãi suất thấp để bơm tiền ra hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, vì họ cho rằng nền kinh tế châu Âu vẫn chưa phát triển vững bền.
Tuy nhiên, cùng lúc Ngân hàng Trung ương Canada đã ngừng các gói kích cầu. Mỹ đang dự kiến tới cuối quý I và đầu quý II-2022 sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ, sẽ không áp dụng lãi suất âm nữa mà có khả năng nâng lãi suất lên.
Ngân hàng Trung ương Canada đã đi trước trong việc dừng nới lỏng định lượng, nếu ECB cũng dừng vào năm 2022 và Mỹ cũng bắt đầu làm như vậy, đồng USD sẽ mạnh lên, khi đó mức 1.700 USD/ounce của vàng cũng sẽ bị đe dọa.
Vì theo nguyên tắc, đồng USD mạnh lên, vàng sẽ giảm xuống trong bối cảnh không có yếu tố chiến tranh.
Thêm nữa, mặc dù trong quý III, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ chỉ đạt 2%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 6,7% ghi nhận trong quý trước đó, nhưng tôi cho rằng tính ổn định của nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì từ đây đến cuối năm.
Đồng thời, việc khống chế dịch bệnh bằng vaccine tương đối có hiệu quả, cùng với đó là triển vọng khắc chế dịch bệnh khi thuốc uống điều trị Covid-19 thử nghiệm của hãng Merck (Mỹ) sắp được chấp thuận.
Vì vậy, như từ đầu năm tôi đã dự báo, đầu tư chứng khoán sẽ có tiềm năng hơn đầu tư vào vàng. Thực tế hiện nay, không chỉ ở Mỹ và ngay cả ở Việt Nam, một số công ty vàng cũng tách ra một phần quỹ để đầu tư chứng khoán, do thị trường kim loại quý không có nhiều biến động và bứt phá.
- Vậy ông đánh giá thế nào về diễn biến của giá vàng SJC trong thời gian gần đây?
- Thời gian gần đây, giá vàng SJC có lúc chênh lệch 10 triệu đồng mỗi lượng so với thế giới và hiện tại chênh lệch ở mức 9 triệu đồng mỗi lượng. Mức chênh lệch này tương đương 18%, trong khi đó vàng nhẫn chỉ chênh lệch 5% với giá thế giới.
Hiện nay, vàng nhẫn 99 và 999 đang được các doanh nghiệp vàng bán trên dưới 52 triệu đồng/lượng, so với giá 49-50 triệu đồng/lượng vàng thế giới.
Có thể nói, vàng miếng SJC đã trở nên lạc điệu so với biến động của thế giới. Theo tôi, việc đầu tư hay đầu cơ vào vàng miếng SJC hay vàng 9999 của các thương hiệu khác ở Việt Nam đều mang nhiều yếu tố rủi ro.
Với chênh lệch 9-10 triệu đồng, mua một lượng vàng SJC sẽ mất một khoản lớn cho chênh lệch giá. Thực tế hiện nay khách mua vàng SJC để giữ đều cân nhắc và rụt rè, bên cạnh đó cũng có một số khách bán vàng SJC để chuyển danh mục đầu tư.
Nhưng cũng phải thấy rằng, thị trường luôn cần có nhiều kênh đầu tư để lựa chọn. Không phải tất cả các nhà đầu tư đều đổ tiền vào chứng khoán, vào bất động sản, vì không phải ai cũng hiểu biết, đủ vốn để tham gia các kênh này.
Tôi nhận thấy có một bộ phận nhỏ thu nhập trung bình, trung bình thấp như công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất hay những người ở khu vực nông thôn không am hiểu về đầu tư chứng khoán, bất động sản nhưng lại là những khách hàng tiềm năng cho các công ty kinh doanh vàng.
Đến kỳ nhận lương, nhiều công nhân đi mua vàng cất để dành là điều vẫn đang diễn ra lâu nay. Vì vậy theo tôi, phân khúc giá vàng nhẫn 99, 999 đang theo sát giá thế giới với chênh lệch chỉ 5% là hợp lý, chấp nhận được.
Và Nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho kênh này phát triển vì điều này cũng giúp ích rất nhiều cho những người yếu thế trong xã hội tích lũy tài sản.
- Xin cảm ơn ông.