Sáng 19-7, ở thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm sâu với mức giảm giao động từ 2–3,5 triệu đồng/lượng.
Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục giảm 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, lần lượt còn 60 triệu đồng/lượng mua vào và 62,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Mức giảm giá này được công ty SJC áp dụng cho cả 3 thị trường lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Chênh lệch biên độ mua và bán của thương hiệu vàng quốc gia này lên đến 2,5 triệu đồng/lượng. Qua đó, tiếp tục lập kỷ lục về chênh lệch giữa mua và bán.
Tương tự, thương hiệu VietinBank Gold cũng giảm 3,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, còn 60 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 62,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Bất cập trong quản lý kinh doanh vàng đã được đề cập đến rất nhiều trong thời gian qua.
Cùng thời điểm, thương hiệu DOJI Sài Gòn giảm 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 18-7, giá niêm yết cũng chỉ còn 60-63 triệu đồng/lượng mua vào-bán ra.
Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC niêm yết vàng miếng cũng với giá 60 triệu đồng/lượng chiều mua vào, giảm 3,5 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước đó và bán ra là 62,5 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng/lượng.
Như vậy, mở phiên giao dịch sáng nay, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng SJC trong nước đều đưa giá mua-bán vàng về cùng một mức giá là 60-62,5 triệu đồng/lượng bán ra. Đồng thời, chênh lệch biên độ mua và bán đều được các doanh nghiệp đẩy lên mức 2,5 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch cao nhất trong lịch sử.
Giá vàng SJC giảm mạnh được cho là do ảnh hưởng bởi đà lao dốc của giá vàng thế giới thời gian qua. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá vàng giảm từ mốc khoảng 1.840 USD/ounce xuống quanh mốc 1.700 USD/ounce.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng nguyên nhân chính của việc giá vàng trong nước “lao dốc” mạnh trong những ngày qua được cho là giới đầu cơ vàng tại Việt Nam đang “buông” vàng do lo ngại việc cơ quan chức năng Nhà nước chuẩn bị thanh tra một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, tiến tới điều chỉnh các quy định kinh doanh về mặt hàng này.
Sau 10 năm, "chiếc áo" Nghị định 24 đã quá chật Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày 25-5-2012. Nghị định này ra đời với nội dung chính là quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nhằm chống nguy cơ “vàng hóa” trong nền kinh tế. Trước khi Nghị định 24 ra đời, từ năm 2010, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Vào thời điểm ban hành Nghị định 24/2012, giá vàng SJC ở quanh mức 43 triệu đồng/lượng. Sau 10 năm thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo nghị định trên, đến nay vàng thương hiệu quốc gia SJC tăng vọt lên ngưỡng 69 triệu đồng/lượng, có thời điểm trên 74 triệu đồng/lượng. Trong cùng thời gian trên, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 8,5 triệu đồng/lượng. Thực tế, đã từng có thời điểm, trong khi giá vàng Việt Nam đắt hơn thế giới đến gần 20 triệu đồng/lượng thì tại các nước khác, mức chênh lệch này chưa tới 200.000 đồng/lượng. Những thông số trên đã chỉ ra thị trường vàng Việt Nam không hội nhập, liên thông với thế giới, nguyên nhân chính là do việc quản lý còn bất cập. Khoảng cách giữa giá vàng ở thị trường trong nước so với giá vàng thế giới ngày càng lớn cũng đồng nghĩa với việc người mua vàng ngày càng chịu thiệt thòi, trong khi đó chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh vàng hưởng lợi. Tại các kỳ họp Quốc hội gần đây, đã có nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến rằng đã đến lúc NHNN cần có động thái chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để đảm bảo phù hợp với thị trường vàng thế giới. Cụ thể, Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng đã được ban hành cách đây 10 năm, đến nay đã bộc lộ những bất cập và cần sớm sửa nghị định này cho phù hợp. |