Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã có dấu hiệu tích cực hơn, nhưng nhìn chung vẫn trong trạng thái điều chỉnh, tích lũy khi chỉ dao động trong biên độ từ 1.765- 1.794USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng chỉ xoay quanh mức giá từ 56,7- 57,1 triệu đồng/lượng với khối lượng giao dịch vàng vẫn ở mức thấp.
Sở dĩ giá vàng gần như chỉ đi ngang trong tuần này do FED có những quan điểm trái chiều về lạm phát.
Còn nhớ trong cuộc họp chính sách vừa qua, FED tỏ ra rất lo ngại về áp lực lạm phát và bật tín hiệu sẽ tăng lãi suất từ năm 2023, thậm chí sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 22-6 vừa qua, Chủ tịch FED lại cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời.
“Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định, và điều này đã và đang làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, lạm phát tăng trong thời gian qua lên mức cao nhất trong 13 năm chỉ mang tính tạm thời”, Chủ tịch FED Powell nhấn mạnh.
Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE)- chỉ số đo lạm phát được FED quan tâm hàng đầu, lại chỉ tăng 0,5% trong tháng 5, thấp hơn mức dự kiến 0,6% và kỳ trước là 0,7%. Theo đó, PCE tháng 5 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù mức tăng này là cao nhất kể từ năm 2008, nhưng thấp hơn dự kiến, khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra thận trọng với quan điểm nói trên của FED.
“FED càng thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, thì giá vàng càng được hỗ trợ. Bởi điều đó sẽ giúp vàng hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất ngày càng thực âm sâu hơn”, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối nhấn mạnh.
Có một sự kiện mà giới đầu tư tài chính toàn cầu đang rất quan tâm, đó là theo quy định mới của Basel III đối với các ngân hàng Châu Âu, vàng sẽ được coi là tài sản cấp 1- tài sản phi rủi ro, có tính thanh khoản ngang hàng với cả tiền mặt. Quy định này đã được ban hành năm 2017, bắt đầu có hiệu lực đối với các ngân hàng Châu Âu từ ngày 28-6 tới, và đối với các ngân hàng Anh từ ngày 1-1-2022. Quy định mới này chỉ áp dụng đối với vàng vật chất, chứ không phải là vàng tài khoản.
Ông Colin cho rằng, dù các ngân hàng Châu Âu đã bắt đầu tăng cường mua vàng vật chất từ khi quy định mới của Basel III được ban hành, nhưng khi quy định này có hiệu lực cũng sẽ tạo tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư quay trở lại gom vàng, đặc biệt là các quỹ đầu tư ETFs.
Tuy nhiên, giá vàng ngắn hạn tăng chưa thực sự bền vững vì FED đang có những quan điểm trái chiều về lạm phát, ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư. Về dài hạn, giá vàng vẫn được dự báo sẽ tăng mạnh, hướng về vùng 2.000USD/oz.
Trong tuần tới, Mỹ sẽ công bố số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 6, đây là chỉ số quan trọng vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chính sách tiền tệ của FED. Theo dự báo, NFP đạt 675.000 việc làm; nếu chỉ số này thấp hơn dự kiến, sẽ tác động tích cực đến giá vàng và ngược lại. Ngoài ra còn các chỉ số quan trọng khác, như niềm tin tiêu dùng, sản xuất công nghiệp PMI…
Ông Bart Melek, Giám đốc chiến lược của TD Securities, cho rằng giá vàng tuần tới sẽ có triển vọng tích cực hơn nhờ quy định mới của Basel III đối với các ngân hàng Châu Âu. Hơn nữa, số liệu NFP của Mỹ chưa thể tăng mạnh vì nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vẫn đang khó tuyển dụng động do các gói cứu trợ của nước này.
Các doanh nghiệp ô tô, điện tử… cũng chưa thể mở rộng sản xuất trong bối cảnh thiếu chíp trầm trọng. “Mức kháng cự của giá vàng tuần tới sẽ từ 1.818- 1.833USD/oz, trong khi mức hỗ trợ tại 1.750- 1.775USD/oz”, ông Melek nhận định.