Tài xế công nghệ cho xe “đắp chiếu”
Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng RON95 đã tăng đến 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, tăng 2.490 - 2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.
Là người thường di chuyển tuyến Hà Nội - Yên Bái, anh Nguyễn Khắc Kiên (Yên Bái) thường bắt xe khách từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) về TP Yên Bái. Với lộ trình này, bình thường anh Kiên đi hết 120.000 đồng (ghế ngồi), nhưng nay giá cước tăng lên 250.000 đồng. Anh Kiên có hỏi nhà xe tại sao giá cước tăng cao thì được giải thích do giá xăng dầu liên tục tăng. Như giá xăng E5RON92 tăng đến gần 32.000 đồng/lít, xăng RON95 gần 33.000 đồng/lít, còn dầu diesel cũng tăng rất cao nên nhà xe buộc phải tăng giá cước để bù lỗ.
"Tôi thấy bất ngờ vì nhà xe không thông báo trước cho khách hàng. Nhưng cũng thông cảm với họ vì thời điểm này, giá xăng dầu tăng quá cao, trong khi lượng khách đi rất ít, mỗi chuyến lác đác vài ba khách", anh Kiên chia sẻ.
Là lái xe công nghệ chuyên chạy tuyến Hà Nội – Nội Bài, anh Nguyễn Anh Hoàng chia sẻ, nếu như 1 năm trước đây, giá xăng chỉ ở ngưỡng hơn 20.000 đồng/lít, cước 1 chiều Hà Nội – Nội Bài từ 200.000 – 220.000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi lượt chạy, lái xe cũng thu về được khoảng 100.000 đồng. Nhưng thời gian qua, giá xăng tăng mạnh, lên đến 33.000 đồng/lít.
“Dù giá cước đã tăng theo giá xăng lên 250.000 đồng/chiều nhưng thu nhập của lái xe vẫn không được cải thiện. Với mỗi cuốc chạy, lái xe chỉ thu được về khoảng 50.000 đồng”, anh Hoàng cho biết và chia sẻ, từ nhiều tuần nay, anh Hoàng liên tục cho xe “đắp chiếu” hoặc chỉ chạy với khách thân quen để giữ khách.
Tương tự như anh Hoàng, anh Lâm Tiến Đông (433 Bạch Mai, Hà Nội) – là shipper trên ứng dụng Aha cho biết, với những đơn hàng di chuyển xa, nhưng mức cước rẻ, các shiper đều phải hủy chuyến hoặc chuyển sang các khung giờ thấp điểm, tránh đông đúc. Bởi với khoảng cách 7-8 km và giá cước khoảng từ 30.000 – 40.000 đồng, nếu shiper cố chạy sẽ không đủ chi phí xăng xe. Thay vào đó, nếu chạy từ 5-6 chuyến với khoảng cách gần từ 1-2km, shiper sẽ nhàn hơn và đỡ tốn chi phí.
Nhà xe, quán hàng hết chịu nổi vì chi phí tăng
Đại diện Công ty vận tải Cường Thắng – chuyên vận tải tuyến đường dài Bắc – Nam - bà Vũ Tuyết Hạnh cho hay, trước đây chi phí cho 1 chuyến vận tải Bắc – Nam khoảng 15 triệu đồng, nay đã lên tới 30 triệu đồng, chưa tính các chi phí khấu hao, hỏng hóc phương tiện. Giá cước tăng nên lượng khách gửi hàng giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 60% so với trước.
“Nhiều chuyến vận tải không đủ lượng hàng nhưng nhà xe vẫn phải chạy và doanh thu chỉ là hòa vốn, thậm chí lỗ chỉ để giữ khách. Việc đàm phán với khách hàng để tăng giá cước do ảnh hưởng của giá xăng dầu về cơ bản không thể nhanh và dễ dàng, bởi đơn hàng chạy đã được ký trước cả năm. Có chăng chỉ tăng được giá cước ở những đơn hàng lẻ. Chưa bao giờ doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn như hiện nay”, bà Hạnh nói.
Biến động giá xăng dầu ngoài tác động tới lĩnh vực vận tải, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Đức Dũng, chủ quán phở gà tại phố Bạch Mai (Hà Nội), giá các nguyên liệu, thưc phẩm đều đã bị đội lên theo giá xăng nhiều tháng nay, đặc biệt là rau củ, hành hẹ và trứng gà. Biến động này buộc cửa hàng phải tính tới tăng giá bán, bởi các chi phí cho 1 bát phở đã tăng tới hơn 20%.
Theo khảo sát ngày 23/6 tại một số chợ truyền thống của Hà Nội, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 32.000 đồng/chục trứng gà ta, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 3.000 - 4.000 đồng so với trước đó. Thịt gà ở mức 150.000 đồng/kg, tăng 50% so với đầu năm; giá dầu ăn đang ở mức 45.000 - 80.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái.
Để kìm đà tăng của giá xăng dầu gây tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống dân sinh, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.