Ngoài tầm tay
Vợ chồng anh Bùi Đình Thắng (quê Bình Định) cưới nhau gần 10 năm, đã có 2 con, nhưng đến nay vẫn ở phòng trọ tại phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM). Anh Thắng làm giáo viên tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, còn vợ bán thức ăn sáng trong xóm trọ.
Ngoài những công việc chính này, anh chị còn tranh thủ làm thêm nhiều việc lặt vặt, mỗi tháng tổng cộng thu nhập của hai vợ chồng gần 20 triệu đồng. Nhiều năm qua vợ chồng anh Thắng vẫn hết sức cần kiệm, mơ mua được một căn hộ chung cư cũ để ổn định cuộc sống. Nhưng cầm số tiền dành dụm được 550 triệu đồng trong tay, anh Thắng không thể mua được căn hộ nào, dù là ở chung cư cũ.
Anh Thắng than thở: “Giá nhà ở TPHCM bây giờ đã quá cao. Có chưa đến 1 tỷ đồng thì không thể mơ chuyện có nhà. Nếu vay ngân hàng một số tiền lớn, thì nằm ngoài khả năng chi trả. Vậy là gia đình tôi phải tiếp tục “thắt lưng, buộc bụng” nhiều năm nữa”.
Các dự án căn hộ đang mở bán tại TPHCM, không thể tìm được căn hộ giá rẻ dành cho người lao động .
Tại TPHCM còn khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 25% tổng số hộ gia đình. Khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch, khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư.
TPHCM là đầu tàu kinh tế, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo đà tăng dân cơ học do số lượng người dân nhập cư rất lớn, nên nhu cầu về nhà ở hiện đang nóng bỏng hơn bao giờ hết. Trong khi giá đất, giá nhà tại TPHCM liên tục tăng cao, khiến giấc mộng an cư ngày càng xa vời tầm tay người lao động thu nhập trung bình và thấp.
Cách nay 2 năm, dễ dàng tìm mua được căn hộ chung cư mới có giá trên dưới 1 tỷ đồng; nay phải từ 1,4 tỷ đồng trở lên, thậm chí nhiều dự án bán đến 2 - 3 tỷ đồng/căn hộ. Giá nhà đất ở TPHCM tăng đều trên tất cả các phân khúc lẫn khu vực. Nay muốn mua được căn hộ có mức giá dưới 1 tỷ đồng, khách hàng chỉ còn cách sang các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An...
Hỗ trợ để người dân có nhà
Nguyên nhân của tình trạng tăng giá nhà đất thời gian qua, một phần do chính sách liên quan đến quy trình phê duyệt đất đai và giấy phép xây dựng ngày càng thắt chặt, khiến nguồn cung bất động sản tại TPHCM giảm. Việc thanh tra rà soát pháp lý các dự án trên thị trường vừa qua cũng khiến nguồn cung mới bị chậm hơn vài quý so với kế hoạch mở bán.
Kịch bản thiếu sản phẩm bất động sản cục bộ đã dẫn đến tình trạng thừa cơ kích giá lên cao. Đây không phải là phản ứng có lợi cho thị trường, vì tình trạng kích giá rầm rộ có tác động lây lan trên diện rộng, mà đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là người thu nhập thấp. Trong khi đó, hệ thống chính sách nhà ở xã hội chưa sát thực tế. Nguồn cung nhà ở xã hội quá ít, không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của xã hội.
Giá nhà tăng cao trong bối cảnh thu nhập của nhiều hộ gia đình chỉ ở mức chật vật trang trải cuộc sống hàng ngày, nên các cặp vợ chồng trẻ chưa có tích lũy nhiều và người lao động sẽ rất khó có khả năng mua nhà. Do đó, các nhà phát triển bất động sản ở TPHCM cần phải cơ cấu sản phẩm, hướng thị trường về nhu cầu ở thực, tránh hùa theo thị trường tăng giá nóng. Việc xây dựng mô hình nhà ở xã hội kết hợp với nhà ở thương mại giá rẻ sẽ tạo lợi thế phát triển các đô thị vệ tinh, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.
Về phía nhà nước, các cơ quan chức năng cần tìm nhiều cách đầu tư, hỗ trợ người dân có thể mua được nhà, như xây dựng nhà ở xã hội, lập các quỹ hỗ trợ, có chính sách ưu đãi lãi suất mua nhà… Nên có cơ chế tạo điều kiện phát triển các dự án nhà cho thuê dành cho người lao động, vì việc người dân thuê được căn hộ khang trang, ngăn nắp, có thể ở ổn định lâu dài cũng là an cư.