Giải bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

(ĐTTCO)- Chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần đẩy mạnh hơn nữa sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, đồng thời trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng đa ngành, sẵn sàng thích ứng và thay đổi, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới đây về tình hình lao động việc làm của Bộ LĐ-TB-XH, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn nhỏ; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI.

Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa được cao. Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79.

Tăng cường mô hình giảng đường doanh nghiệp

Để giải quyết những bất cập trên, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là các trường đại học, trường nghề cần đẩy mạnh tương tác với doanh nghiệp để họ tham gia vào quá trình đào tạo, tăng cường mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp trong thiết kế các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng lao động. Việt Nam cần tiếp tục tăng cường chất lượng của giáo dục đào tạo để phục vụ cho nhu cầu việc làm cũng như tương lai của các doanh nghiệp. Đặc biệt các doanh nghiệp cũng nên đóng vai trò linh hoạt hơn trong vấn đề đào tạo để giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi, thực tế vẫn có một tỷ lệ lớn sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, hoặc làm trái ngành nghề. Nguyên nhân chủ yếu do chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng, tác phong làm việc của doanh nghiệp, những gì sinh viên học và thực tế làm việc vẫn còn một khoảng cách quá lớn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động thay đổi không ngừng, nhiều ngành nghề đang dần bị thay thế bằng máy móc, tự động hóa, AI nhưng cũng xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới. Điều này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường phải có những kỹ năng mới, kiến thức mang tính tích hợp, đa ngành.

“Nếu như trước đây các em học về CNTT chỉ cần biết về CNTT, thì nay các em cần biết thêm cả kiến thức về kinh tế, kinh doanh, có như vậy mới có thể viết ra các phần mềm phục vụ thương mại điện tử… Các em học về kinh tế cũng cần biết về công nghệ, kiến thức về khởi nghiệp… Chỉ khi sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng thì mới có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động. Tại ĐH Nguyễn Trãi, ngoài những môn học riêng theo từng chuyên ngành, nhà trường vẫn có những môn học chung để phát triển những kỹ năng mà bất cứ ngành nào cũng cần trong bối cảnh 4.0 như biết lập dự án, quản lý thời gian, khởi nghiệp… Sinh viên có quyền học thêm 5 môn học khác mà không cần đóng học phí ở những môn này.

Kết quả làm việc có xuất sắc hay không là do các em có biết tích hợp các môn học và phương pháp làm việc với nhau hay không. Để sinh viên có việc làm, quá trình đào tạo đại học cần đảm bảo trang bị những hành trang tiên quyết gồm ngôn ngữ, kỹ năng, tư duy sáng tạo và đặc biệt cần gắn kết với doanh nghiệp”, TS Nguyễn Tiến Luận nhấn mạnh.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo đại học, TS Nguyễn Tiến Luận cho rằng, các trường đại học dù đổi mới, nâng cao chất lượng đến đâu, nhưng nếu không gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp thì vẫn khó có thể thành công. Bởi không ai hiểu rõ doanh nghiệp cần gì bằng chính các doanh nghiệp. Do đó việc gắn kết, đẩy mạnh mô hình “giảng đường doanh nghiệp” là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo TS Nguyễn Tiến Luận, việc kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội thực tế tại doanh nghiệp, được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, đặc biệt các em cũng có thể có việc làm ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp cũng sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo lại nhân sự, có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

“Tại ĐH Nguyễn Trãi, chỉ sau 1 học kỳ, chúng tôi đã đưa sinh viên vào các doanh nghiệp để thực tế, tham quan, làm quen với môi trường, tác phong làm việc công sở. Kết quả cho thấy sinh viên không chỉ hiểu hơn về văn hóa môi trường doanh nghiệp mà còn hứng thú hơn trong quá trình học tập.

Về phía giảng viên, hiện trường có khoảng 20% giảng viên, cán bộ quản lý xuất phát từ doanh nghiệp. Giảng viên khi đưa sinh viên đi thực tập cũng cần hiểu quy trình làm việc tại các doanh nghiệp để đồng hành cùng các em. Hàng năm, chúng tôi vẫn rà soát lại chương trình để có những điều chỉnh cho phù hợp với thục tế. Bước đầu Nhà trường đã có được những kết quả rất đáng khích lệ, 96% sinh viên được doanh nghiệp tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp với thu nhập cao, thậm chí có một số sinh viên đã khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao chất lượng sinh viên, đồng thời tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, với hệ thống giảng đường doanh nghiệp ngày càng nhân rộng”, TS Nguyễn Tiến Luận cho biết.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng nêu thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số "vàng" nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là "vàng". Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường. Việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Theo ông Phạm Tấn Công, tại các nước như Đức, Australia, Anh đang áp dụng các mô hình đào tạo tiên tiến, theo đó việc xác định các kỹ năng, cập nhật các kỹ năng mới, thiết kế chương trình cho học viên của một ngành nhất định được thực hiện với sự tham gia của chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong ngành đó thông qua Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề. Đây là cơ chế phối hợp đa ngành nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp. Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề được lập theo từng ngành, cung cấp thông tin thị trường lao động của ngành, tư vấn thiết kế việc thực hiện đánh giá chương trình hoạt động nghề nghiệp sát với từng ngành.

“Việt Nam đang có mục tiêu và khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chìa khóa vàng để mở cánh cửa đầu tiên đến với mục tiêu này là nhanh chóng xây dựng lực lượng lao động chất lượng vàng, có năng suất cao, thu nhập cao”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Các tin khác