Dù lượng tiền được các NHTW bơm ra rất lớn nhưng lạm phát hầu như mất hút, bởi nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) và người dân đều than hết… tiền. Bỏ qua các nguyên nhân khó tiếp cận vốn vay, không đủ tiêu chuẩn, ngay cả những đối tượng sờ được vào cục tiền cũng than không có tiền. Tại sao lại có nghịch lý này?
Nhiều tiền nhưng vẫn thiếu
Nhiều tiền nhưng vẫn thiếu
Người ta đang hạn chế xài tiền, dù có tiền cũng phòng thủ để đề phòng rủi ro. Đó là lý do tại sao hết vàng rồi trái phiếu chính phủ (TPCP) đều tăng giá với lượng giao dịch tăng vọt.
Theo số liệu mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tính đến hết quý I các NHTW, quỹ đầu tư, định chế vẫn duy trì mua vào dù họ đã mua ròng rã mấy năm trước. Số liệu cho thấy cả những nước nhỏ như Kazakhstan, Hy Lạp, thậm chí Nga vẫn đang mua vào vàng.
Có một thực tế, dù tiền nhiều nhưng những người giàu, định chế lớn ngoài mua tài sản an toàn còn dùng để phòng thủ. Số liệu từ Bank of America cho thấy, các NĐT lớn rất thích các quỹ thị trường tiền tệ.
Minh chứng lượng tài sản đang được quản lý tại các quỹ này đã tăng lên hơn 4.500 tỷ USD, từ mức dưới 3.000 tỷ USD 2 năm trước. Chỉ tuần đầu của tháng 4, giới đầu tư đã chuyển 52,7 tỷ USD thành tiền mặt so với mức 14,1 tỷ USD đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu, thậm chí các quỹ đầu tư cổ phiếu chỉ nhận được 10,7 tỷ USD.
Số liệu cũng cho biết NĐT tổ chức hiện đang nắm giữ tiền mặt nhiều nhất kể từ cuộc tấn công khủng bố 11-9-2001. Chỉ số USD Index đã tăng vượt hơn 100 điểm (tăng tới hơn 30% trong 9 năm qua), bất chấp việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố nới lỏng tiền tệ không giới hạn, cũng cho thấy các tổ chức vẫn tích cực nắm giữ tiền để tạo thanh khoản.
Thực tế tiền hỗ trợ hay cứu trợ chỉ đến với tầng lớp trung lưu và người nghèo, là đối tượng chính cho các gói giải cứu trên, thậm chí còn là đối tượng chính để nhận “tiền trực thăng” được Chính phủ phát tiền đến tận tay từng người dân không cần tài sản đảm bảo, cũng như không cần thông qua trung gian NHTM.
Gói cứu trợ tưởng chừng chỉ xảy ra trên lý thuyết nay cũng được áp dụng tại Mỹ, Australia, Hồng Kông, Macao, Singapore. Thậm chí cả Việt Nam cũng áp dụng khi đưa ra các gói hỗ trợ bằng tiền mặt trực tiếp cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này nhằm kích hoạt lạm phát mục tiêu, người dân mạnh tay chi xài, tiêu dùng từ đó kéo kinh tế đi lên trở lại.
Tuy vậy, số tiền trên lại ít vào đúng địa chỉ hoặc nằm ngoài mong muốn của DN, người dân. Chẳng hạn, mục đích của dòng tiền này để mua sắm, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, nhưng lại được dùng để trả nợ, duy trì sinh hoạt tối thiểu.
Theo số liệu từ Viện Tài chính quốc tế (IIF) và Bloomberg, nợ toàn thế giới đã lên tới 260.000 tỷ USD. Con số này gấp đôi 20 năm trước và có tốc độ tăng ngày càng nhanh. Như năm 2018 mức tăng chỉ khoảng 3.300 tỷ USD, năm 2019 đã lên tới 10.800 tỷ USD.
Lý do, NHTW, chính phủ các nước cần tiền để giải cứu thế giới bằng các cách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, bơm tiền, cho vay các loại… nhằm kích thích nhu cầu và đầu tư. Giải pháp này khiến hầu như tất cả đều mắc nợ, từ chính phủ, DN đến người dân, khi nhiều tài sản như xe, nhà, cổ phần đều được tài trợ bởi… nợ.
Tiền bơm ra để trả nợ
Tiền bơm ra để trả nợ
Các NHTW cần tránh dòng tiền đổ vào tài sản rủi ro như vàng, bất động sản, chứng khoán mang yếu tố đầu cơ. Định hướng chảy đúng vào những ngành nghề, lĩnh vực mang lại giá trị bền vững cho kinh tế quốc gia. |
Còn nợ của hộ gia đình kể từ trước khủng hoảng 2008 đến nay tăng thêm hơn 30%, trong khi nợ các DN phi tài chính tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, nợ của các DN tài chính, có vẻ như đã rút kinh nghiệm từ khủng hoảng đợt trước, chỉ tăng khoảng 10% kể từ sau khủng hoảng 2008. Với cơ cấu và tốc độ tăng nợ này, nhóm dễ bị tổn thương nhất lại có tốc độ cao nhất.
Như vậy, phần lớn lượng tiền mới trong các gói khích thích sẽ được dành để trả nợ. Các DN, cá nhân cũng cần phải trả nợ, trang trải các chi phí để tồn tại, tránh bị phá sản, nhất là trong thời buổi ra đường gặp cách ly việc kinh doanh sẽ khó có tương lai. Tại Việt Nam, số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, kết thúc quý I tín dụng chỉ tăng trưởng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng đến gần kết thúc tháng 4, tín dụng lại tăng trưởng âm khoảng 0,5%, phản ánh rõ cầu tín dụng thấp và các thành phần trong nền kinh tế đang tập trung trả nợ, hoặc chỉ cố gắng duy trì.
Chính vì vậy, tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, nhất là khi làm việc tại nhà trong thời buổi phong tỏa, thứ được kích cầu tốt nhất là các tài sản đầu cơ lại hút được dòng tiền, ngay sau khi Fed và các NHTW công bố các gói kích cầu, chứng khoán toàn cầu tăng dựng đứng.
Thậm chí nhiều thị trường lấy lại phần lớn những gì đã mất và bước vào “thị trường con bò tót”. Vàng, USD, TPCP, TPDN đều hút hàng; vàng liên tục lập các đỉnh mới dù số liệu kinh tế khắp nơi liên tục lao dốc.
Với thực trạng này, việc đứt gãy rất dễ xảy ra khi thị trường tài chính không đồng hành chung với nền kinh tế, sẽ kém bền vững và mang màu sắc đầu cơ. Đặc biệt trong bối cảnh nhà giàu, tổ chức lớn đều nhăm nhăm giữ tiền và tài sản an toàn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo trong trường hợp khủng hoảng, sự vỡ nợ đe dọa 40% số nợ DN ở các nền kinh tế lớn. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor cho biết các NĐT hiện có hàng ngàn tỷ USD trái phiếu ở mức “rác”, hoặc gần mức đó trong tay, đe dọa tài chính quốc tế.