LTS: Sau thời gian tạm lắng do dịch Covid-19, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở TPHCM tái diễn nghiêm trọng. Chính quyền cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc lập lại trật tự vỉa hè. Điều đó đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới, đảm bảo công tác quản lý, sử dụng vỉa hè một cách linh hoạt, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị vừa đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân.
Lấn được là lấn
Gần 17 giờ, khi sinh viên tan học, dân công sở tan làm cũng là lúc hàng quán bắt đầu hoạt động nhộn nhịp tại ngã tư đường Huỳnh Thúc Kháng - Pasteur (quận 1). Bàn ghế được bày chật kín dọc vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường. Không chỉ chiếm vỉa hè, các hàng quán còn đổ trực tiếp thức ăn thừa xuống đất gây nên cảnh nhếch nhác ngay khu vực trung tâm.
Tương tự, những tuyến đường xung quanh Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 1, đường Hồng Bàng (quận 5) thường xuyên đặc kín xe máy từ sáng đến chiều. Xe máy xếp hàng hàng lớp lớp trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường.
Cảnh tượng này không còn xa lạ ở quận 5, khi trên địa bàn quận có tới 16 BV lớn, nhỏ. Cách BV Đại học Y Dược không xa, tình cảnh quanh BV Hùng Vương cũng không khá hơn. Xe cộ, người buôn bán chen chúc. Người đi bộ dĩ nhiên chỉ còn cách đi xuống lòng đường.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng, môi trường xung quanh các BV, trường học rất quan trọng. “Đứng ở góc độ người quản lý BV, chúng tôi rất bức xúc vì tình trạng buôn bán lấn chiếm xô bồ bên ngoài, ảnh hưởng tới mỹ quan, an ninh trật tự và đặc biệt là sự hài lòng của người dân”, bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ.
Dù biết rất khó đi vào nề nếp, dẹp ở lề bên này thì người buôn bán chạy sang bên kia đường, song bác sĩ Diễm Tuyết đề nghị chính quyền địa phương cần phối hợp và giải quyết căn cơ việc này để hỗ trợ các BV.
Không chỉ ở khu vực trung tâm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở các quận, huyện cũng là vấn đề nhức nhối dù các địa phương thường xuyên chấn chỉnh. Đường Nguyễn Văn Linh, ngay cổng KCX Tân Thuận (quận 7), vào mỗi buổi sáng, hàng chục xe đẩy bán đồ ăn dựng sát nhau kéo dài cả trăm mét ngay trên vỉa hè, thậm chí có người ngồi ở lòng đường để bán hàng. Còn thực khách dừng xe máy dưới lòng đường để mua đồ ăn, thức uống.
“Trong một hệ sinh thái, có câu chuyện của nhà đầu tư triệu đô, tỷ đô nhưng cũng có những người khởi nghiệp, người tìm sinh kế... Đừng bao giờ nghĩ trung tâm thành phố là chỗ của những người giàu, người sang trọng. Nếu có 100, 200 hay 300 người mua gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được”.
Ông PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM
(Phát biểu tại buổi làm việc với UBND quận 1 ngày 26-8).
Hay trên các tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, Quang Trung, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Vườn Lài, Nguyễn Văn Quá, Tô Ký (quận 12); đường Nguyễn Thị Tú, Phan Văn Hớn, khu vực xung quanh chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn)… tình trạng bán hàng rong, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, họp chợ tự phát diễn ra công khai. Các loại phương tiện, hàng hóa tràn từ vỉa hè xuống lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Nhu cầu của người dân quá lớn
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, chia sẻ, sau dịch Covid-19 người dân gặp nhiều khó khăn, nhu cầu kinh doanh, mua bán ngày càng nhiều. Tình hình lập lại trật tự lòng lề đường vì vậy cũng cũng gặp khó, nhất là ở những nơi đông dân cư.
Hàng rong đem đến những bữa ăn vừa túi tiền người lao động ở trung tâm thành phố
Đại diện lãnh đạo UBND quận 12 phân tích, nhu cầu của người dân về sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán, làm nơi đỗ xe... là rất lớn nhưng chưa được cho phép. Quyết định 74 năm 2008 của UBND TPHCM về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè không hướng dẫn nội dung này nên địa phương lúng túng trong việc hướng dẫn người dân thực hiện. Do đó, quận 12 kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 74 để phù hợp với thực tế.
Trong thời gian chờ quy định mới, quận 12 tìm giải pháp sắp xếp trật tự kinh doanh, buôn bán hàng rong trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm, đảm bảo sự công bằng, công khai, hài hòa giữa phát triển kinh tế với quản lý trật tự đô thị. Quận tiếp tục thí điểm các điểm kinh doanh mô hình chợ đêm, chợ tạm, tạo điều kiện cho người dân có nơi buôn bán, không buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và góp phần kiểm soát an toàn thực phẩm.
Trong khi đó, ông Lê Minh Nhựt, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 5, dẫn chứng, nhu cầu giữ xe ở các BV trên địa bàn quận rất lớn. Các bãi xe không đáp ứng đủ nhu cầu, nên địa phương tổ chức giữ xe ở vỉa hè ngay trước BV. Hàng năm quận cũng ban hành kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự trước các BV, trường học và tổ chức ra quân tuần tra, dọn dẹp lòng lề đường. Nhưng mỗi phường chỉ có 5 nhân sự làm công tác quản lý trật tự đô thị, quận có 10 nhân sự... nên rất vất vả.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận 1 dẫn chứng, thực tế ở quận có nhiều di tích lịch sử văn hóa thu hút đông khách du lịch nên người bán hàng rong quy tụ về rất lớn. Thời gian qua, quận 1 sắp xếp tạm cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn vị trí bán hàng trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và trong công viên Bách Tùng Diệp, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, theo quy định, vỉa hè không phải nơi cho phép bán hàng rong, các địa phương chỉ linh động cho một số trường hợp đặc biệt. Hiện nay, quận 1 đang xây dựng đề án quản lý trật tự, vệ sinh môi trường khu trung tâm, trong đó có việc sắp xếp cho người bán hàng rong.
Trước những khó khăn của các địa phương, TPHCM đang tổ chức lấy ý kiến của các sở ban ngành, địa phương góp ý cho dự thảo chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 11-CT/TU ngày 10-3-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo quyết định thay thế Quyết định 74, ban hành quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.
TPHCM đang kích cầu du lịch. Đây là việc làm cần thiết nhằm phục hồi kinh tế và phát triển, thế nhưng ở nhiều điểm du lịch do chưa tổ chức giao thông tốt vô hình trung đã trở thành điểm nóng về trật tự giao thông.
Khu vực Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3 luôn xảy ra ùn ứ giao thông do nhiều ô tô lớn chở du khách đậu xung quanh, lấn đến gần tuyến đường, chờ đón khách tham quan.
Theo ghi nhận trong nhiều ngày của phóng viên báo SGGP, các ô tô này thường đậu khoảng 1 giờ, sau đó khách tham quan trở ra, xe đủ khách, mới đi. Cứ thế, hết ô tô này ra thì có ô tô khác chở khách vào.
Không những thế, nhiều ô tô 4-7 chỗ hoạt động dịch vụ vận tải cũng đậu bao quanh bảo tàng để chờ đón khách đi lẻ. Việc đậu xe không chỉ trước cổng bảo tàng trên đường Võ Văn Tần mà còn kéo dài từ ngã tư với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến ngã tư với đường Trần Quốc Thảo.
Thậm chí, trong nhiều thời điểm, tuyến đường Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo gần như trở thành bãi đậu cho ô tô chở du khách. Áp lực hơn nữa là khi học sinh trường THCS Lê Quý Đôn đi học hoặc tan trường là cả khu vực xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Người dân TPHCM cũng gặp không ít khó khăn khi tìm nơi gửi xe ô tô để đi chơi tại các điểm du lịch. Theo ông Trần Văn Minh (ngụ quận Tân Phú), ông và gia đình rất thích đi ngắm thành phố vào dịp cuối tuần ở khu vực Hồ Con Rùa, Công viên Bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ… nhưng rất khó tìm được nơi gửi xe.