Trong đó, ở Trung ương chiếm 18%, địa phương 82%. Trong số này, công chức chiếm khoảng 10%, còn lại 80% là viên chức. Còn tính riêng trong lĩnh vực y tế, chỉ trong vòng 18 tháng năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó 8.810 nhân viên thuộc quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố; 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế… Ở lĩnh vực giáo dục cũng trong tình trạng tương tự, trong năm 2022 có 16.000 giáo viên các cấp nghỉ việc. Việc bỏ cơ quan, công sở này trở thành làn sóng và hiện tượng đặc biệt thu hút dư luận xã hội.
Vậy những nguyên nhân nào khiến người lao động (NLĐ) bỏ việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp ra bên ngoài?
Trước hết cần khẳng định mức độ hấp dẫn của khu vực nhà nước đã giảm rất nhiều so với những năm trước đây. Trước đây việc làm sao có được công việc trong Nhà nước là 1 trong 3 mục tiêu quan trọng nhất (2 việc kia là có nhà và dựng vợ, gả chồng) của nhiều ông bố, bà mẹ, dù lương thấp chỉ vài triệu đồng/tháng. Nhưng mấy năm gần đây, việc có được “biên chế” đã bớt “thiêng”, khi khu vực tư nhân ngày càng mở rộng ra về quy mô và chất lượng. Thanh niên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập tốt, dễ thở và linh hoạt hơn về thời gian, nên những người trẻ không còn nhằm vào Nhà nước mà đầu quân vào các doanh nghiệp tư nhân. Còn những người làm Nhà nước được các công ty tư nhân dang tay chào đón.
Thêm vào đó, đời sống người dân từ đô thị đến nông thôn đã có nhiều thay đổi, mức sống cao hơn, nhu cầu sống tăng thêm, có nhiều nhu cầu mới xuất hiện cần phải đáp ứng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, cứ mỗi người dân trong cuộc sống cần ít nhất 50-60 loại dịch vụ, và cứ sau mỗi 15 năm 7-10% số dịch vụ mất đi và 15-20% dịch vụ mới xuất hiện. Việt Nam hiện có nhiều loại dịch vụ mới xuất hiện, chẳng hạn như Shipper, bán hàng qua mạng, môi giới (hôn nhân, đất đai, vay vốn, chuyển nhượng)… Đặc biệt, trong mấy năm dịch covid đã hình thành kiểu lao động không cần tổ chức cứng, không phải gắn mình vào chỗ cố định, không cần huy động vốn, không cần mặt bằng và tất nhiên không bị kiểm soát chặt chẽ tiến trình làm việc. Đó chính là lý do có rất nhiều bạn trẻ tham gia đội ngũ đông đảo hoạt động tự do này.
Trước hiện tượng dịch chuyển lao động, một số người cho đây là chuyện bình thường theo quy luật có người xin ra sẽ có người xin vào lấp chỗ trống. Nhiều người nói lâu nay Bộ Nội vụ ra chỉ tiêu giảm biên chế 10% mỗi năm cho các tỉnh thành, cơ quan nhưng chưa bao giờ đạt được, nên đây chính là dịp may cho nền công vụ quốc gia. Số khác cho rằng NLĐ chuyển ra bên ngoài làm việc cũng là cống hiến cho đất nước.
Những quan điểm trên không hẳn sai, nhưng thực sự không phù hợp. Những người nghèo, yếu thế, thu nhập thấp vào các bệnh viện công khi đau ốm. Nhưng các bác sĩ giỏi, y tá, điều dưỡng kéo nhau ra bên ngoài họ biết trông cậy vào ai. Các vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn vốn đã thiếu giáo viên, nay các thầy cô công lập xin nghỉ, ai cõng chữ cho con trẻ. Nhìn rộng ra, nền hành chính công và quản lý nhà nước các cấp được coi là bộ khung của một quốc gia, những người có năng lực được coi là tinh hoa, nếu chuyển ra khỏi hệ thống sẽ làm cho bộ khung đó yếu đi, hiệu suất làm việc kém hẳn, đó thực sự là thất bại.
Việc NLĐ bỏ việc liên quan đến thu nhập và môi trường làm việc là điều ai cũng thấy. Một giảng viên đại học công lập trong 3 năm đầu làm việc (dù là cử nhân hay thạc sĩ) cũng chỉ loanh quanh trên dưới 4 triệu đồng, 10 năm là 7 triệu đồng. Với mức lương đó sống chật vật, nhất là những người trẻ ở các tỉnh xa đến phải thuê nhà. Người làm trong cơ quan nhà nước bị ràng buộc rất nhiều vào những định chế có tính pháp lý. Chẳng hạn, 1 năm ít nhất 2 lần làm bản kiểm điểm, tham gia bình bầu, phải có được các danh hiệu để được thưởng cuối năm. Các cô giáo phải có sáng kiến, giảng viên đại học phải có bài báo khoa học, công trình nghiên cứu, và sẽ bị sa thải nếu sau thời gian quy định không có bằng tiến sĩ… Thu nhập thấp, áp lực công việc căng thẳng… là những lý do NLĐ bỏ việc chạy làm bên ngoài.
Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay rất lớn, có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức, chiếm gần 3% dân số quốc gia. Trong khi đó, ở nhiều nước các cơ quan công quyền chỉ làm công việc quản lý nhà nước (làm ra luật, quy định, ban hành, hỗ trợ, kiểm soát, chế tài), tạo hành lang pháp lý, còn tất cả trả cho xã hội, thị trường đảm nhiệm. Từ thu gom cọng rác, sản xuất viên thuốc, gói mì cho đến sản xuất máy bay, tàu ngầm đều do tư nhân làm, nhà nước chỉ định hướng cho xã hội, trong một số trường hợp có các lĩnh vực trọng yếu có thể nhà nước nắm như dầu khí, in tiền, quân đội, cảnh sát… Bộ máy công quyền của họ ít nên trả lương cao và đãi ngộ tốt. Còn ở ta, Nhà nước ôm đồm quá, bộ nào cũng có vài tổng công ty, sở nào, ban nào cũng có vài công ty và những bộ phận phái sinh khác, nên bộ máy phình to ra như hiện nay.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã gửi công văn cho các tỉnh, thành, đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Đồng thời cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ này cũng đưa ra giải pháp giữ chân nhân lực bằng cách tăng lương và phải làm công tác chính trị tư tưởng cho NLĐ nhận thức tốt hơn nữa trong việc tận lực cống hiến cho nền công vụ.
Thực sự, Chính phủ và các tổ chức liên quan đến chuyện này cần nghiêm túc mổ xẻ thật thấu đáo để có những giải pháp đúng hơn, chứ không phải bằng những lời động viên, kêu gọi hay phê phán. Cần nhận thức lại về cấu trúc, chức năng bộ máy công quyền và xây dựng các chính sách phù hợp để có được đội ngũ công chức tinh gọn, thạo việc và trung thành.