Giải quyết bài toán thiếu hụt lao động cho ngành du lịch

(ĐTTCO) - Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay, ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng nhân lực vừa thiếu, vừa yếu.
Ngành du lịch hiện cần hơn 3 triệu lao động để phục hồi và phát triển. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Ngành du lịch hiện cần hơn 3 triệu lao động để phục hồi và phát triển. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Theo Tổng cục Du lịch, sau đại dịch, khoảng 52% lao động ngành du lịch đã nghỉ hoặc chuyển việc trong khi ngành này hiện cần hơn 3 triệu lao động để phục hồi và phát triển.

Cuối tuần qua, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức sàn giao dịch việc làm dành riêng cho ngành du lịch. Hơn 1.000 việc làm được kết nối, giúp nhiều doanh nghiệp bổ sung kịp thời nhân sự phục vụ cao điểm du lịch hè. Tuy nhiên, con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lao động các doanh nghiệp còn thiếu.

"Vị trí này yêu cầu của bọn anh là em phải có kinh nghiệm, am hiểu về du lịch. Tối thiểu kinh nghiệm là 3 năm", đại diện một công ty du lịch nói.

Các ứng viên không đáp ứng được yêu cầu trên của nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp phải chuyển hướng sang tìm kiếm sinh viên mới ra trường, sau đó tiếp tục đào tạo, nâng cao tay nghề.

"Hầu hết là các bạn sinh viên ứng tuyển nên rất khó tuyển nhân sự mình thực sự cần. Tuy nhiên cũng biết được nhu cầu của các bạn sinh viên", bà Cao Ngọc Minh, Giám đốc Hành chính Nhân sự, Công ty Du lịch Bến Thành, chia sẻ.

"Khá là vất vả vì sau dịch, chuyển dịch lao động biến động lớn. Nhờ sàn giao dịch việc làm, mình cũng muốn tiếp cận nhiều hơn với các bạn trẻ và người lao động, kể cả những người đã được đào tạo hay chưa qua đào tạo", ông Lê Minh Bảo Châu, Giám đốc vận hành khách sạn Liberty Saigon Greenview, cho hay.

Thiếu hụt gần 300 nhân sự và hiện chỉ tuyển bổ sung được 20% nhu cầu, hầu hết là sinh viên mới ra trường. Doanh nghiệp cho biết, đang làm việc với các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở miền Bắc, miền Trung, tham gia đào tạo trực tiếp tại các trường để nhanh chóng có nguồn nhân lực chất lượng.

"Lực lượng sinh viên chiếm tỷ lệ cao nhất so với các năm trước vì chúng tôi mong muốn đào tạo được tận gốc. Số lượng sinh viên tiếp cận với chúng tôi hiện xấp xỉ gần 100 sinh viên. 60% đến từ các trường đào tạo ngành du lịch, sau đó là marketing, địa lý du lịch, lịch sử", bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Vietravel, thông tin.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nếu trước kia, ngành du lịch trăn trở về chất lượng nhân lực không đồng đều, thì nay, phải đối mặt với tình trạng nhân lực vừa thiếu, vừa yếu. Bên cạnh phiên giao dịch việc làm, Sở Du lịch cũng đang kết nối các đơn vị liên quan, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực.

"Chúng tôi cũng có những lớp đào tạo chuyên đề dành cho hướng dẫn viên, đào tạo tiếng hiếm cho hướng dẫn viên, tạo các cuộc thi buồng phòng cho nhân viên khách sạn. Thông qua các cuộc thi giúp các bạn tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề trong giai đoạn khan hiếm nhân lực và phải tận dụng nhân lực từ các nguồn khác", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Sở Du lịch nhận định, thu nhập kém hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến đa số nhân lực ngành này không mặn mà với nghề. Do đó, doanh nghiệp cũng cần tính toán mức lương hợp lý để hấp dẫn ứng viên.

Các tin khác