Giải quyết các phát sinh khi thành lập Thành phố Thủ Đức

(ĐTTCO) - Sáng 6-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gồm các ĐB: Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP, có buổi tiếp xúc cử tri quận 9 trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đề cập đến công tác tuyên truyền, lấy ý kiến người dân về sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) để thành lập TP Thủ Đức; chính sách tái định cư của Khu công nghệ cao, khu Bắc Rạch Chiếc; thực trạng tham nhũng, lãng phí...

Giải quyết các phát sinh khi thành lập Thành phố Thủ Đức ảnh 1ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG

Thay mặt tổ ĐBQH, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, tổ ghi nhận và chuyển tải đầy đủ những ý kiến, phản ánh của cử tri đến các cơ quan chức năng. Về ý kiến của cử tri liên quan đến đề án thành lập TP Thủ Đức, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị UBND quận 9 đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cử tri hiểu được khi sáp nhập 3 quận lại và thành lập thành phố mới thì người dân được gì, giải quyết được những vấn đề nào. Đồng thời, địa phương cũng cần ghi nhận rộng rãi ý kiến cử tri, trong đó có những hiến kế, cách làm hay.


Về chính sách tái định cư Khu công nghệ cao, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, Tổ ĐBQH đơn vị số 7 đã báo cáo lãnh đạo TP các nội dung trong ranh và ngoài ranh Khu công nghệ cao cũng như chính sách bồi thường và bố trí tái định cư. Riêng trường hợp cử tri Lương Văn Sinh (phường Long Bình) bức xúc gia đình ông phải tạm cư 20 năm nay, cơ sở vật chất nơi tạm cư xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị UBND quận 9 tổ chức tiếp cử tri ngay. Thông qua đó để tìm hiểu thực chất vấn đề, đồng thời tiếp tục rà soát xem còn có những trường hợp nào khác để có hướng giải quyết phù hợp.

Chiều cùng ngày, Tổ ĐBQH đơn vị số 7 cũng có tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức. Tại buổi tiếp xúc, cử tri phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến đề án thành lập TP Thủ Đức, dự án khu dân cư Sông Đà, dự án treo… Trả lời cử tri về nội dung thành lập TP Thủ Đức, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, UBND TP đang tiếp tục hoàn thiện đề án thành lập TP Thủ Đức. Cụ thể, TPHCM đang tiếp thu ý kiến góp ý của bộ ngành và Chính phủ. ĐB Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, khi triển khai việc sáp nhập thì cũng có các phương án đi kèm để giải quyết các vấn đề phát sinh như thay đổi giấy tờ liên quan đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đặt lại tên đường, sắp xếp lại số nhà… ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đồng tình với ý kiến cử tri cho rằng, ngay từ bây giờ, TP không chỉ tập trung khắc phục những tồn tại mà cần đặt ra các giải pháp về quản lý quy hoạch, xem xét cơ cấu sử dụng đất, tính toán về đội ngũ cán bộ, con người để khi thành phố mới được thành lập và vận hành sẽ gặp lúng túng.

Cùng ngày , Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên địa bàn TPHCM.

Theo ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, đến nay, UBND các quận, huyện đã hoàn tất việc lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính. Tỷ lệ người dân đồng tình khá cao với phương án sáp nhập các phường, quận. Tuy nhiên, về tên gọi vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Cử tri cũng băn khoăn về những phát sinh khi thành lập TP Thủ Đức từ việc sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào các vấn đề về cơ chế, chính sách quản lý, điều hành đô thị theo mô hình mới... Đặc biệt là việc vận hành TP Thủ Đức theo mô hình TP trong TP.  Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, nêu thắc mắc về phương án giải quyết đối với hơn 107.000 cán bộ dôi dư sau sắp xếp.

Còn theo ông Phạm Hoài Minh Tân, Trưởng Ban Tuyên giáo quận Thủ Đức, chủ trương sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức nhằm thay đổi mô hình quản lý đô thị cho phù hợp. Tuy nhiên, thẩm quyền của Thủ Đức tới đâu để huy động được nguồn lực, tiềm năng của 3 quận (cũ) này đáp ứng yêu cầu phát triển thì chưa được đề cập đến. Tương tự, chủ trương TPHCM thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị sẽ không còn HĐND cấp quận, phường, trong khi TP Thủ Đức trong tương lai có HĐND. Hay việc chọn địa điểm đặt trụ sở chính quyền TP Thủ Đức và cả đặt tên cho thành phố, phường, hiện cử tri của 3 quận vẫn chưa thống nhất và còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Ban Đô thị HĐND TPHCM, cho rằng, sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới. Cụ thể, nếu như hiện nay, để riêng biệt 3 quận khác nhau với cơ cấu, số lượng dân cư không đồng nhất, nơi nhiều nơi ít thì khó huy động được nguồn lực và tiềm năng để phát triển. Còn sáp nhập 3 quận lại với số dân hơn 1 triệu người, cộng với sự thu hút, chuyển dịch ngành nghề, lao động, việc làm sẽ tạo ra một nguồn lực rất lớn để phát triển. Ngoài ra, thu nhập, thu ngân sách… sẽ tăng rất lớn và tác động tích cực đến sự phát triển chung của TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, ghi nhận những ý kiến phản biện của các đại biểu. Các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được tổng hợp lại trình UBND TPHCM để thông qua HĐND TP tại kỳ họp tới. “Nhiều vấn đề còn phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội thông qua. Ngay như tên gọi về TP được sáp nhập bởi quận 2, 9, Thủ Đức là thành phố gì, hiện cũng chưa thống nhất được phương án cuối cùng. Tất cả còn phải chờ cấp có thẩm quyền thông qua từ tổng hợp, đánh giá ý kiến, nguyện vọng của nhân dân”, ông Huỳnh Thanh Nhân nhấn mạnh.

Các tin khác