Đây là nhận định của GS.TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng Thí nghiệm khoa học Dữ liệu, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, khi nhìn lại 2 mùa giải đã qua của VinFuture và chuẩn bị đón những tên tuổi mới trong mùa ba vào cuối tháng 12 tới.
Chất lượng, uy tín và tầm ảnh hưởng toàn cầu của VinFuture
Giải VinFuture, bên cạnh giải chính trị giá 3 triệu USD, còn trao 3 giải đặc biệt cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, nhà khoa học nữ và người làm nghiên cứu mới, mỗi giải trị giá 500.000 USD. Theo các nhà khoa học “đây là số tiền lớn và thực sự ý nghĩa đối với những người làm nghiên cứu”.
Còn GS Hồ Tú Bảo ở góc nhìn rộng hơn, không chỉ dừng ở tiền thưởng mà còn tổ hợp những hoạt động khoa học để thấy giá trị và tầm vóc quốc tế của VinFuture. Các hoạt động bên lề của VinFuture đã “mang nhiều nhà khoa học danh tiếng đến Việt Nam và ngược lại cũng cho thế giới biết thêm về Việt Nam với một khát vọng phát triển khoa học làm nền móng xây dựng đất nước”, ông nói và thêm rằng, nhìn góc độ này giải VinFuture cùng các hoạt động khác về khoa học của Vingroup đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển khoa học ở Việt Nam.
Ông dẫn giải thêm, trong khoảng 5-6 năm qua, Vingroup đã đẩy mạnh nhiều hoạt động liên quan đến khoa học và đóng góp cho cộng đồng. Đó là việc thành lập các Viện nghiên cứu dữ liệu lớn (VinBigData), chia sẻ các nguồn dữ liệu và tài nguyên khoa học; Viện nghiên cứu AI (VinAI) với chương trình ươm mầm các tài năng trẻ về AI (AI residency program); Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF với hơn 100 dự án, trên 1.000 học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ, hỗ trợ hàng trăm chuyên gia và tổ chức hơn 130 hội thảo khoa học…
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, Phó Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá trên bình diện quốc tế, giải thưởng VinFuture có quy mô, chất lượng, giá trị giải thưởng và uy tín tương đương với giải Nobel.
PGS Thuật cũng nhắc tới việc 2 nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman đạt giải Nobel về Y sinh và cho rằng: “Bất ngờ! Tôi nghĩ sẽ có thời điểm nào đó 2 người sẽ được giải Nobel nhưng không nghĩ đến sớm như vậy”, ông nói và cho rằng sự tương đồng của giải VinFuture và Nobel là vinh dự cho Việt Nam vì đã trao giải cho nhà khoa học từ cách đây 3 năm.
Trước đây, mọi người thường so sánh giải thưởng về tổng giá trị tiền được trao, nhưng giờ, sự vinh danh này cho thấy VinFuture có sự tương đồng cả về chất lượng với Nobel.
“Tôi hy vọng 2 nhà khoa học giúp VinFuture tạo ra sự lan toả lớn với cộng đồng quốc tế”, PGS Thuật nói.
GS Pamela Christine Ronald - chủ nhân của giải thưởng đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học nữ |
Mang lại cơ hội hợp tác nghiên cứu dài hạn
Nhìn lại hai mùa giải, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, đánh giá cao ảnh hưởng của VinFuture khi hội đồng lựa chọn các công trình đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. “Giải thưởng được trao tại Việt Nam và do người Việt khởi xướng, tài trợ nên sẽ giúp hình ảnh Việt Nam được thế giới biết đến”, GS Long nói.
Ông cho rằng VinFuture sẽ là động lực thúc đẩy các nhà khoa học trong nước đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản có tính sáng tạo cao, giúp cho các nhà khoa học Việt Nam kết nối với các nhà khoa học thế giới, kể cả các nhà khoa học Việt kiều.
Ở mùa hai, có giải thưởng cho nghiên cứu phân lập gene lúa (Sub1A) để phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu ngập vượt trội của GS Pamela C. Ronald, theo GS Long là “rất đáng khâm phục”. Ông cho biết, ở Việt Nam cũng đã tạo được giống lúa chịu úng nhưng nghiên cứu cơ bản còn yếu vì vậy cần hợp tác cùng nghiên cứu với chuyên gia nước ngoài. Thông qua giải thưởng, các nhà khoa học được gặp gỡ, tọa đàm để tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Trần Thuật thì nhìn nhận VinFuture như một “giải thưởng có tác dụng truyền cảm hứng”. Ông đánh giá, nhờ VinFuture, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tự tin, dũng cảm hơn trong việc sẵn sàng dấn thân, làm nghiên cứu khoa học dù còn gặp nhiều khó khăn.
Câu chuyện về cuộc đời nghiên cứu khoa học của bà Katalin Karikó cho thấy, dù xuất thân từ một nước có nền khoa học không cao, nhưng các nhà nghiên cứu đều có thể trở thành những người dẫn đầu trong lĩnh vực của họ.
“Nếu các nhà khoa học Việt Nam kiên trì theo đuổi công nghệ của mình, theo đuổi ý tưởng nghiên cứu khoa học, cố gắng để bù đắp về mặt vật chất cho cuộc sống cá nhân, và tìm được các nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học thì kết quả sẽ đến”, PGS.TS Nguyễn Trần Thuật kỳ vọng.
Tuần lễ KHCN VinFuture 2022 quy tụ các nhà khoa học hàng đầu thế giới |
Động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam
GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long cho biết, ở mùa hai bà từng được mời đến tham dự hội thảo cùng các nhà khoa học nghiên cứu về giống lúa. Bà chia sẻ, GS Pamela C. Ronald - tác giả công trình nghiên cứu phân lập gene lúa (Sub1A) để phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu ngập vượt trội - cũng là bạn của bà. GS Lang đánh giá cao việc một doanh nhân Việt sáng lập và tổ chức giải thưởng lớn và các hoạt động kết nối ý nghĩa với các nhà khoa học. Tại đây nhiều thông tin được trao đổi, kết nối với các chuyên gia nhà khoa học quốc tế nhằm tạo ra mạng lưới hợp tác khoa học, đóng góp giá trị cho cộng đồng và xã hội.
Cũng như nhiều ý kiến khác, GS Lang mong mỏi các nhà khoa học Việt Nam sớm có công trình được vào danh sách trao thưởng. Khi đó bà tin tính tác động sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chuyên gia cấp cao về nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong sơ đồ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, các giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học, sáng tạo công nghệ là 1 trong 8 yếu tố có vai trò quan trọng. Một hệ sinh thái phát triển tốt, hỗ trợ được nhiều cho các nhà sáng tạo, đổi mới càng cần có nhiều các giải thưởng có giá trị và tầm vóc như VinFuture. Giải thưởng không chỉ có ý nghĩa vinh danh những người đưa ra những cách làm mới mà còn khích lệ những người khác đảm nhận nhiệm vụ đổi mới khó khăn và đầy rủi ro.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên có 1 giải thưởng có giá trị lớn mang tính quốc tế, tôn vinh các nhà sáng tạo công nghệ, nghiên cứu khoa học tầm quốc tế, đem họ đến gần với cộng đồng khoa học Việt. “Chúng ta có thể trao đổi với họ ở cự ly rất gần trong cả chuyên môn và hình ảnh. Đây là một điều rất tuyệt vời không chỉ với các nhà chuyên môn và đã ảnh hưởng rất lớn đối với cả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, bà Dung nhận định.