Từ đầu năm đến nay, các NHTM nhiều lần điều chỉnh lãi suất huy động, lần điều chỉnh mới nhất vào tuần trước kéo lãi suất xuống khá thấp. Lãi suất huy động hạ được cho là do thanh khoản dư thừa, tín dụng tăng trưởng chậm, lãi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) giảm, nhằm giúp chi phí vốn của NH thấp hơn. Song song đó, động thái hạ lãi suất có thể là cơ hội để các NH cân bằng lợi nhuận cuối năm.
Hết đường ra
Những ngày đầu tháng 10, biểu lãi suất huy động của các NHTM nhà nước lẫn NHTMCP tiếp tục được điều chỉnh giảm. Hiện, nhóm NHTM nhà nước đang huy động với lãi suất rất thấp. Cụ thể huy động kỳ hạn 1 tháng tại Agribank, Vietcombank, BIDV đã giảm khá xa trần lãi suất, trong đó Agribank có mức lãi suất thấp nhất là 4,3%/năm, 2 NH còn lại 4,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng của 3 NH lần lượt ở mức 5,6%/năm, 5,5%/năm, 5,7%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất lại Agribank là 6,9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 và 24 tháng, Vietcombank khách hàng gửi trung và dài hạn chỉ hưởng mức lãi suất 6,2-6,3%/năm và tại BIDV 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Song song với các NHTM nhà nước, nhiều NHTMCP cũng lần lượt hạ lãi suất huy động, trong đó từ đầu tháng 10 đến nay Techcombank đã 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động, kỳ hạn dưới 6 tháng còn 5,24-5,48%/năm, kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng còn 5,63-6,27%/năm. Mới đây VIB cũng tiếp bước các NH trên giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm, 6 tháng xuống 5,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng xuống còn 6,5%/năm.
Việc các NHTM hạ lãi suất huy động là điều tất yếu khi theo thống kê của NHNN tính đến ngày 30-9, huy động vốn tăng 11,01% (trong đó huy động bằng VNĐ tăng 12,37%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78%) so với cuối năm 2013 trong khi tín dụng chỉ tăng 7,26%, thanh khoản tiếp tục được đảm bảo và dư thừa do đầu ra vẫn gặp nhiều khó khăn.
TPCP vẫn là kênh đầu tư ưa chuộng của các NHTM khi từ tháng 9 đến nay 100% khối lượng chào thầu của Kho bạc Nhà nước đều phát hành thành công, tuần từ ngày 29-9 đến ngày 3-10 Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công 5.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm. Đến ngày 3-10, kênh TPCP đã huy động được 190.558 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần đây lãi suất của kênh đầu tư này đã có xu hướng giảm, kỳ hạn 5 năm chỉ còn 5,05%/năm, 10 năm còn 6,28%/năm và 15 năm còn 6,98%/năm, đây cũng có thể là nguyên nhân các NHTM kéo giảm lãi suất huy động.
Thủ thế
Tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ với ĐTTC, những tháng qua NH đã có cơ hội giảm chi phí hoạt động do lãi suất huy động ở mức thấp. Hiện nay các NH cũng không quan tâm nhiều đến trần lãi suất 6%/năm do NHNN quy định, mà đa số đều chủ động điều chỉnh lãi suất phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình. Nếu NH nào cần vốn có thể huy động sát trần, còn NH nào dư thừa có thể điều chỉnh hạ lãi suất để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào.
Nhưng thực tế, việc mạnh tay giảm lãi suất chỉ diễn ra ở một số NH lớn bởi uy tín của các NH này vẫn thu hút được lượng tiền gửi ổn định từ người dân, trong khi các NH nhỏ vẫn yếu thế hơn trong việc huy động vốn nên phải áp dụng mức lãi suất hợp lý để giữ chân khách hàng.
Một chuyên gia tài chính cho rằng, trong tháng 9 chỉ số lạm phát đã giảm xuống còn 3,12% so với cùng kỳ năm nước và các chuyên gia dự báo lạm phát cả năm sẽ ở mức 3-4%, đồng thời 3 quý vừa qua CPI mới chỉ tăng 2,25% nên các NH vẫn còn dư địa để điều chỉnh nhẹ lãi suất huy động. Song song đó, động thái hạ lãi suất huy động cũng có thể đang được NH tận dụng như một giải pháp để có thêm lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
Mặc dù trong quý IV nhu cầu vốn của các doanh nghiệp sẽ tăng lên để vào mùa sản xuất kinh doanh cuối năm, nhưng lãi vay chỉ thật sự giảm đối với các doanh nghiệp tốt mà số này không nhiều, còn một số lượng lớn các doanh nghiệp còn lại tất nhiên phải chấp nhận lãi suất cao hơn để tiếp cận vốn. Năm 2013, nhiều NH đã không đạt mục tiêu lợi nhuận, phải chịu sự chất vấn và không ít hoài nghi của cổ đông về năng lực điều hành, vì vậy áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm nay là rất lớn. Hiện không ít NH vẫn còn đang giấu bớt nợ xấu hoặc sau khi bán nợ xấu không nhận trái phiếu đặc biệt để giảm các khoản trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo lợi nhuận.
Tư vấn cho khách hàng vay vốn. Ảnh: LONG THANH |
Nhiều dự báo cho thấy trong những tháng cuối năm mặt bằng lãi suất vẫn nằm trong xu hướng giảm, bởi trong bối cảnh hiện nay các NH phải thủ thế, nếu tăng lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc NH tự đẩy chi phí vốn lên cao, gây khó cho hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, định hướng điều hành lãi suất hiện nay cũng chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất thấp để tạo điều kiện cho tín dụng tăng trưởng.