Tham dự có các đồng chí: Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL; Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, TPHCM luôn mong muốn thực sự đóng góp cho sự phát triển của ngành du lịch TPHCM cũng như cả nước. TPHCM đã và đang có những chương trình hợp tác, kết nối cụ thể với nhiều địa phương.
Chẳng hạn, vừa rồi TPHCM đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh ĐBSCL; sắp tới, TPHCM tiếp tục ký kết hợp tác với 5 tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung… Thời gian qua, TPHCM đã làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp (giãn thuế, giảm thuế…), hỗ trợ cho người lao động (giảm tiền điện, nước)…
“Trong bối cảnh hiện nay, TPHCM đang phải thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân. TPHCM rất mong muốn Chính phủ sớm cho phép nối lại các đường bay quốc tế, giúp phục hồi ngành du lịch trên cơ sở đánh giá chính xác mức độ an toàn. Việc triển khai cần đảm bảo du khách vào Việt Nam phải an toàn từ nơi xuất phát, đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Y tế…”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đề xuất.
Hội nghị lần này có sự liên kết chặt chẽ giữa Sở Du lịch TPHCM, Sở Công thương TPHCM, ngân hàng… trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để cùng thúc đẩy ngành du lịch sớm phục hồi. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, chương trình kích cầu du lịch kéo dài từ nay đến cuối năm 2020, với gần 260 chương trình tour và 280.000 vé, giảm từ 10% - 70%.
Chẳng hạn như tour trải nghiệm tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao (quận 9); chương trình học nấu ăn, tham quan và trải nghiệm xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ); tham quan địa đạo Củ Chi - Bến Dược (huyện Củ Chi); chương trình địa đạo Củ Chi - Khu sinh thái giáo dục về quê (huyện Củ Chi); mức giá mỗi tour dao động từ 99.000 - 119.000 đồng/người…
“Điểm nhấn của chương trình kích cầu du lịch TPHCM là tập trung vào các sản phẩm, nhóm sản phẩm được làm mới, mang nét đặc trưng của TP. Việc kích cầu du lịch hướng tới quảng bá sản phẩm vùng, liên tuyến, kết nối TPHCM với nhiều địa phương lân cận và cả nước”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Về phía ngân hàng, trong 3 tháng qua (tháng 3, 4 và 5-2020) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đã hỗ trợ cho 223.190 doanh nghiệp với hơn 290.000 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ, cũng như cho vay mới tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Sở Du lịch TP, Sở Công thương TP tháo gỡ trực tiếp cho hơn 50 lượt doanh nghiệp có khó khăn về vốn thông qua danh sách do hai sở này gửi đến.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Quang Tùng, đánh giá cao sáng kiến kết nối du lịch liên vùng, liên ngành của TPHCM; đồng thời nhấn mạnh rằng ngành du lịch nước ta đã sẵn sàng đón khách quay trở lại. Riêng TPHCM, với vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, trung tâm trung chuyển khách nội địa và quốc tế hàng đầu, nếu TPHCM đi tiên phong thành công thì các tỉnh thành khác cũng thành công theo.