Dù lãi suất huy động của các ngân hàng (NH) đã giảm sâu và đứng ở mức thấp thời gian gần đây, nhưng lãi suất cho vay cứ đến hẹn lại tăng, đẩy nhiều khách vay vào thế khó trong bối cảnh bị mất thu nhập khi giãn cách xã hội kéo dài.
Theo các chuyên gia, việc phân biệt đối xử và không hỗ trợ khách vay mua nhà là không công bằng và chưa hợp lý do dịch bệnh gây ảnh hưởng chung chứ không phải khó khăn riêng của nội tại ngành bất động sản.
Khách hàng được gợi ý vay thêm để… trả lãi
Sau một năm vay vốn để mua trả góp một căn hộ, chị H.T.Ngân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết vừa nhận được thông báo của NH về việc tăng lãi suất cho khoản vay 1,4 tỉ đồng từ 8,9%/năm lên 11,8%/năm với lý do hết thời gian ưu đãi, áp lãi suất thả nổi. "Khi tôi hỏi có làm đơn xin giãn nợ, ân hạn gì được không, nhân viên NH này nói chỉ hỗ trợ giảm lãi suất cho doanh nghiệp, còn cá nhân thì NH có thể hỗ trợ tăng hạn mức thẻ tín dụng nếu có nhu cầu", chị Ngân bức xúc.
Tương tự, anh T.G.Nam (TP Thủ Đức) cho hay nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay từ 10%/năm lên 12%/năm cho khoản vay 3 tỉ đồng cách nay một năm cũng với lý do hết thời gian hưởng lãi suất vay ưu đãi. Theo mức lãi suất mới, mỗi tháng anh Nam phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 41,3 triệu đồng, gồm hơn 28,7 triệu đồng tiền lãi và hơn 12,6 triệu đồng nợ gốc. Trong khi đó, hơn 4 tháng qua, thu nhập của gia đình anh Nam giảm mạnh do dịch, chỉ đủ trang trải chi phí cho cả gia đình.
"Điều đáng nói là khi tôi đề nghị NH có biện pháp hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hiện nay như giảm lãi suất cho vay hoặc ân hạn nợ thì nhân viên NH này cho biết NH không có chủ trương giảm lãi như tôi đề nghị mà sẽ cho tôi… vay thêm để tự trả gốc và lãi trong 5 tháng. Nếu tôi đồng ý phương án này, NH sẽ giải ngân cho tôi "một cục" khoảng 200 triệu đồng, tương đương với tiền gốc và lãi phải trả trong 5 tháng, nhưng tôi không được rút mà NH sẽ trừ dần hằng tháng khi tới thời hạn thu nợ gốc và lãi", anh Nam kể.
Nhiều khách hàng có khoản vay mua nhà một năm trước nay hết hạn áp dụng lãi suất ưu đãi cũng "khóc ròng" khi lãi suất tăng thêm 2,5 - 3%/năm so với trước, trong khi thu nhập giảm, thậm chí không có thu nhập do nghỉ dịch đến nay đã 4 - 5 tháng. Nhiều khách hàng bức xúc cho rằng trong khi lãi suất gửi tiết kiệm tại NH giảm mạnh thời gian qua và đang đứng ở mức thấp, NH vẫn lấy lý do lãi suất thả nổi tăng do lãi suất huy động tăng! Trong đó, nhiều khách vay được các NH gợi ý vay thêm để... trả lãi trong thời điểm mất thu nhập.
Sau ưu đãi là lãi suất… ngược đãi
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những năm gần đây các NH đẩy mạnh cho vay mua nhà do đây là khoản vay có thể áp dụng mức lãi suất cao và ít rủi ro vì nhiều người vay mua nhà trả nợ từ tiền lương. Thông thường trong thời gian ưu đãi (từ 6 tháng đến 2 năm đầu tiên), NH áp dụng mức lãi suất mềm hơn trong thời gian ưu đãi tùy theo chính sách của mỗi NH và thời gian hưởng lãi ưu đãi. Tuy nhiên, sau thời gian ưu đãi này là lãi suất thả nổi. Lãi suất thả nổi này được tính toán dựa vào lãi suất huy động kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng (tại thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay), cộng với biên độ khoảng 3,5% - 4,5%/năm tùy NH.
Thực tế, dù lãi suất huy động các kỳ hạn giảm khá sâu trong thời gian qua nhưng mức lãi suất của kỳ hạn được lấy làm tham chiếu khi tính lãi cho vay thường neo cao hơn so với mặt bằng chung. Đặc biệt, nhiều NH quy định với kỳ hạn này chỉ nhận tiền gửi với mức từ vài chục hoặc vài trăm tỉ đồng trở lên nên hầu như không có cá nhân nào có thể nhận được mức lãi suất tiền gửi khá cao này.
"Việc NH neo lãi cao ở kỳ hạn này không nhằm huy động tiền gửi, vì làm gì có cá nhân nào gửi tiết kiệm dài hạn vài chục đến vài trăm tỉ đồng, mà chủ yếu để "né" việc giảm lãi suất cho vay, thậm chí vẫn tăng lãi suất cho vay", một chuyên gia NH khẳng định.
Nhiều khách vay bức xúc cho biết hầu hết các NH đều tuyên bố rầm rộ về việc hỗ trợ khách vay như giảm lãi, giãn nợ nhưng chủ yếu để… truyền thông, còn mức giảm nếu có cũng chỉ mang tính "tượng trưng" từ 0,1 - 0,5%/năm tùy theo từng đối tượng. Trong khi đó, với đối tượng vay là người mua nhà, các NH đều từ chối hỗ trợ dù những khách hàng này cũng bị giảm thu nhập, thậm chí không còn thu nhập do giãn cách xã hội kéo dài.
"Lẽ ra các NH phải có chính sách ân hạn nợ gốc và lãi qua thời gian khó khăn này. Khi được đi làm trở lại sau giãn cách, khách hàng có nguồn thu sẽ trả nợ đầy đủ cho NH. Như thế mới hợp đạo lý. NH Nhà nước cần có chỉ đạo kịp thời để các NH thương mại có biện pháp hỗ trợ cho người vay, kể cả người vay mua nhà. Đặc biệt là những người vay đến thời hạn điều chỉnh lãi suất giữa mùa dịch như hiện nay", anh N.Đ.Phương - một khách vay mua căn hộ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) - nói.