Hỗ trợ của doanh nghiệp mang tính quyết định
Trong thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) của Chính phủ, gần đây, doanh nghiệp và một số trường đại học đang tổ chức các tọa đàm bàn về cách thức để xây dựng những “đại học khởi nghiệp”, cũng là cách để thực tế hóa, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Trên thực tế nhiều trường đại học của Việt Nam đã bắt đầu có sự chuyển dịch, có những bước đi cụ thể nhưng chưa thật sự bài bản, hệ thống và còn rất nhiều hạn chế.
Ở trường Đại học Công thương TP.HCM, nhà trường cũng chú trọng đầu tư về cơ sở thiết bị liên quan đến công nghiệp thực phẩm, có những nghiên cứu chuyên sâu và tạo ra thực phẩm, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để được hỗ trợ thiết bị máy móc tạo ra sản phẩm mới. Nhưng những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ không đặt nặng tính chuyển giao mà chỉ xem là cơ hội để tập dượt cho nghề nghiệp sau này. Nếu được doanh nghiệp đặt hàng đề tài, có kinh phí, có đầu ra thì nhiều nghiên cứu của sinh viên hoàn toàn có thể hoàn thiện thành sản phẩm và chuyển giao.
TS Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho rằng: "Để đề tài có tính ứng dụng chuyển giao được thì cần có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiêp. Doanh nghiệp cần có bài toán đặt hàng, quan tâm hơn về vấn đề đặt hàng và quan tâm hơn về vấn đề phát triển R&D làm sao để có sản phẩm phát triển của doanh nghiệp đó. Khi quan tâm đến vấn đề đó thì họ sẽ đặt hàng chặt chẽ với các trường, các viện và lúc đó sự hợp tác mới chặt chẽ.”
Theo bà Hồ Thanh Thủy, Trưởng Ban Quản lý đối ngoại của Tập đoàn Sunwah tại TP.HCM, điều hạn chế của sinh viên và cũng là điểm yếu của nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong trường đại học là thiếu phần kiến thức và cả kinh nghiệm để đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, thành viên các dự án đều dám nghĩ dám làm, có sức trẻ, có thời gian nên nếu được đồng hành hỗ trợ tốt từ doanh nghiệp thì sẽ phát triển tốt.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã thấy được điều này và dần mở ra không gian cho các sản phẩm của sinh viên thử nghiệm, sau đó phản hồi và góp ý để hoàn thiện sản phẩm. Cụ thể như Sunwah đã thành lập Sunwah Innovation tại TP.HCM để đồng hành hoàn thiện và triển khai dự án, thực hiện trách nhiệm cộng đồng: "Sinh viên có thể cho ra những sản phẩm mẫu mà chức năng đã khá chỉnh chu. Những sản phẩm này có khả năng áp dụng vào thực tế và nhân rộng trong tương lai. Điều sinh viên còn thiếu và cần hỗ trợ là sự dìu dắt hướng dẫn của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, các bạn đi trước đã khởi nghiệp để sinh viên có thể phát triển tư duy kinh doanh, hiểu thị trường hơn, phân tích thị trường và có mô hình đưa ra thị trường khả thi hơn."
Đã đến lúc nhà trường cần có tư duy và kiến thức kinh doanh
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, các trường đại học cần có nghiên cứu chuyên sâu hơn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trong đó, từng trường cần phân tích thế mạnh và đặc thù của mình, áp dụng trong điều kiện Việt Nam thì chú ý những thành tố nào.
Sinh viên tâm huyết với các sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng cao của mình
TS Nguyễn Vinh Dự, Phó Giám đốc Saigon Innovation Hub cho biết, để giải quyết những hạn chế trong đưa sản phẩm nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh thì từ nhà trường đến giảng viên, sinh viên đều cần có sự nhận thức rõ hơn, từ đó cập nhật kiến thức và điều chỉnh hướng nghiên cứu. Doanh nghiệp cũng cần tích cực tìm hiểu các nghiên cứu của trường đại học hoặc chủ động đặt hàng với nhà trường, vừa giảm được chi phí sản xuất vừa hỗ trợ cho công tác đào tạo.
"Saigon Innovation Hub đã có những khóa đào tạo kỹ năng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Qua đó trang bị cho các giảng viên kiến thức liên quan để sản phẩm của mình có đủ điều kiện thương mại hóa thì có thể định giá được và sẵn sàng cho việc chuyển giao."- TS Dự nói.
Đồng thời, theo một số chuyên gia kinh tế, các trường nên kết nối với nhau, sử dụng thế mạnh của nhau để cùng triển khai kết quả nghiên cứu. Tiến sĩ, chuyên gia Kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế cho rằng: "Khởi nghiệp sáng tạo ở trường đại học đã bước đầu nhìn thấy các bên liên quan trực tiếp, gián tiếp nhưng cơ bản vẫn bị chi phối bởi phần thúc đẩy sáng tạo hơn là phần gắn kết với khởi nghiệp, kinh doanh, với các nhà đầu tư, với những người có chất nhìn về tài chính để tiếp cận với thị trường, với kinh doanh."
Anh Hồ Thanh Huy, cựu sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM, Trưởng nhóm dự án “Giải pháp nền nông nghiệp xanh” (ECO-HOUSE), nhằm giúp người nông dân có thể ứng dụng công nghệ ở bất cứ đâu để kiểm soát được những yếu tố liên quan đến mùa vụ. Huy cho biết, dù đã ra trường nhưng vẫn được nhà trường tạo điều kiện để kết nối, phát triển sản phẩm của mình và dự kiến tới đây, sản phẩm của nhóm sẽ được chuyển giao cho một doanh nghiệp mà nhà trường kết nối.
Huy mong muốn các dự án nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao sẽ được nhà trường kết nối để chuyển giao cho doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế hoặc chính nhà trường được thành lập doanh nghiệp để thực hiện điều này. Nếu được như vậy, sẽ giải quyết được tình trạng đa phần các dự án nghiên cứu khoa học của sinh viên đạt giải hoặc đã nghiệm thu xong rồi để đó.
“Tôi nhận thấy, nhà trường cần có các cơ chế quy định thành lập các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học trong trường Đại học. Như trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã và đang thành lập các doanh nghiệp Spin-off để giữ chân các bạn sinh viên ra trường ở lại tiếp tục nghiên cứu khoa học, hơn thế là khởi nghiệp mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.”- Huy nói.
Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều quan tâm đầu tư cho bộ phận nghiên cứu khoa học, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên (và cả học sinh thông qua các cuộc thi do trường đại học tổ chức) nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với thực tiễn. Ngày càng có nhiều sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo và cả mong muốn khởi nghiệp từ những nghiên cứu, sáng tạo đó.
Để làm tốt hơn, các trường cần xác định được mô hình tổ chức “đại học khởi nghiệp”; nâng cao nhận thức, tư duy của sinh viên, giảng viên và nhà trường về khởi nghiệp, gắn kết với doanh nghiệp từ đánh giá đề tài, sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần có sự hỗ trợ kinh phí cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có hành lang pháp lý cụ thể và đầy đủ hơn.