Con đường phải đi
Nhắc đến các sản phẩm xanh, tái chế, thân thiện môi trường, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc kinh doanh Kantar Việt Nam, chia sẻ những thay đổi quan điểm và hành vi tiêu dùng xanh của người Việt.
Theo đó, 84% người tham gia khảo sát cho biết cố gắng mua các sản phẩm được đóng gói theo cách thân thiện với môi trường, 87% tìm cách giảm chất thải có hại cho môi trường trong cuộc sống hàng ngày.
Đáng chú ý 60% người tiêu dùng tìm cách mua sản phẩm của các thương hiệu và công ty có hành động bù đắp tác động của họ đối với môi trường, 63% cho biết đã ngừng mua/ngừng sử dụng một vài sản phẩm/dịch vụ vì nó ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.
Cũng nói về lựa chọn của người tiêu dùng nhưng phân theo nhóm tuổi, ông Nguyễn Tiến Huy, CEO Pencil Group, cho biết thế hệ gen Z (sinh từ 1997-2012) đang quan tâm đến sự bền vững hơn cả tên thương hiệu khi quyết định mua hàng. Đáng chú ý, thế hệ “digital natives”(thành thạo kỹ thuật số) đầu tiên này đang truyền cảm hứng cho các nhóm tuổi khác hành động theo hướng bền vững hơn.
Không chỉ người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm thân thiện, bền vững, trong quy định pháp luật cũng buộc DN phải đi theo con đường tái chế nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường, đồng thời tạo cú hích cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Theo đó, đầu năm 2024 quy định thực hiện EPR, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường, sẽ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, quy định nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông, phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.
Về lộ trình, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1-1-2024; nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện từ ngày 1-1-2025; sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện từ ngày 1-1-2027.
Chuyển động của DN
Bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ hành trình 3R. Trong đó có Reuse (tái sử dụng), công ty đã tái sử dụng 27% phế liệu nhựa trong năm 2022 so với 24% trong năm 2021. Reduce (giảm bớt), sản xuất các sản phẩm tận dụng từ phế phẩm nông nghiệp (vỏ trấu, rơm rạ) và từ bột sắn. Áp dụng nhựa kết hợp từ NVL có sẵn trong tự nhiên như đá vôi ở các tỉnh phía Bắc. Recycle (tái chế) chương trình vì mái trường xanh qua 2 mùa đã vận động được hơn 20.000 học sinh từ 30 trường thu thập bút đã qua sử dụng để tái chế.
“Xuyên suốt quá trình phát triển, Thiên Long luôn đầu tư đổi mới sáng tạo để đạt mục tiêu giảm giá từng đồng bằng giải pháp giảm bớt nhựa và nguyên vật liệu khác” - bà Nga nói.
Chia sẻ lý do theo đuổi thời trang bền vững suốt 15 năm qua, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty Faslink, cho biết thời trang là ngành ô nhiễm thứ hai trên thế giới và sử dụng rất nhiều năng lượng đặc biệt là nước. Theo số liệu thống kê, khí thải của ngành dệt may chiếm khoảng 10% tổng lượng khí hiệu ứng nhà kính và dự kiến tăng lên 26% vào năm 2050. Lượng rác thải lớn từ ngành thời trang hiện vẫn chủ yếu chôn lấp, tái sử dụng rất ít.
“Hiện nguyên liệu sản xuất sản phẩm thời trang của Faslink chủ yếu từ nguồn gốc thiên nhiên và một phần từ tái chế quần áo cũ” - bà Nga cho biết.
Sự chuyển động sớm của DN trong ngành tái chế cũng được mang đến diễn đàn lần này, là hành trình của Duy Tân Recycling, DN đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế "Bottle to Bottle", mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra vòng lặp chai nhựa mới.
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Duy Tân Recycling, cho biết để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, nhà máy Duy Tân Recycling, được xây dựng từ năm 2019 công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2023, nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai).
Thách thức không nhỏ
Ví von theo cách nói của nhiều DN đó là tái chế không thể chậm trễ, nhất là với những ngành phải thực hiện trách nhiệm từ 1-1-2024. Thế nhưng hành trình này với những người đang đi và sắp đi đều nhiều thách thức.
Ông Lê Anh cho biết có khá nhiều thách thức trong ngành tái chế Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến việc rác thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn, nên khi về tới nhà máy khâu phân loại, xử lý rất vất vả. Thêm nữa, hoạt động thu gom ve chai chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ nên chưa có chứng từ, hóa đơn đầu vào. Ngoài ra, Việt Nam cần ban hành tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho bao bì nhựa tái chế, cần tách biệt mã số HS code cho nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh để phòng vệ thương mại…
Thực tế, trong một số cuộc họp gần đây liên quan đến EPR, nhiều DN, hiệp hội thuộc đối tượng thực hiện quy định này hiện vẫn chưa biết hoặc chưa nắm rõ các quy định về vấn đề này.
Trước thực tế này, theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam, các DN có liên quan và có tác động bởi quy định mới về môi trường, tái chế cần đọc hết các quy định liên quan đến tái chế, đặc biệt là thông tin về xác định định mức tái chế (Fs). “Mọi thứ đều có quy định, DN cần xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, không đơn thuần tái chế là đầu tư máy móc” - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cả nước khoảng 64.000 tấn/ngày (tương đương 23,3 triệu tấn/năm) trong đó 35.624 tấn/ngày ở khu vực thành thị (3 triệu tấn/năm) và 28.394 tấn/ngày ở khu vực nông thôn (10,4 triệu tấn/năm), chiếm lần lượt 55% và 45% tổng khối lượng CTRSH.
TPHCM và Hà Nội có khối lượng lớn nhất với tổng khối lượng CTRSH phát sinh từ khu vực đô thị lên tới 12.000 tấn/ngày.